Lợi ích của tiêm vắc xin phòng bệnh



Tiêm chủng cho trẻ em là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất, giúp cơ thể trẻ chống lại nhiều bệnh truyền nhiễm và giảm nguy cơ lây lan bệnh, dịch cho cộng đồng. Vì vậy, bố mẹ, người giám hộ cần bám sát theo lịch tiêm vắc xin cho trẻ để đảm bảo cho trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các loại vắc xin để phòng bệnh.

Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm

Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm

       1. Tiêm chủng là gì?

       Tiêm chủng là việc đưa vắc xin vào cơ thể con người với mục đích tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch để dự phòng bệnh tật.

       2.  Lợi ích cá nhân với tiêm chủng vắc-xin

       - Giảm nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm hay gặp ở trẻ nhỏ như: bạch hầu, ho gà, bại liệt, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não mủ, sởi, lao, quai bị, viêm não Nhật Bảnrubella, tả và thương hàn. 95% trẻ được tiêm chủng sẽ hình thành hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể trước những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

       - Giảm thiểu các rủi ro vì bệnh tật như biến chứng, di chứng, tử vong so với nhóm không tiêm phòng.

       - Chi phí tiêm thấp hơn điều trị: Chi phí dành cho việc tiêm chủng thấp hơn rất nhiều lần so với chi phí điều trị khi mắc các bệnh truyền nhiễm, giúp tiết kiệm ngân sách và bảo vệ sức khỏe cho mọi người.

       - Tạo điều kiện để trẻ lớn lên và phát triển toàn diện: Tránh được các bệnh truyền nhiễm trẻ sẽ phát triển khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật gây ảnh hưởng đến thể chất và trí não.

       3. Lợi ích cộng đồng với tiêm chủng vắc-xin

       - Vai trò quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực

       Do không bị mắc bệnh nên những cá nhân được tiêm chủng, nhất là trẻ em sẽ phát triển khỏe mạnh, không bị các biến chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra giúp trẻ phát triển thể chất và trí não bình thường. 

       - Bảo vệ sức khỏe chung cho cộng đồng

       Việc tiêm chủng không chỉ giúp bảo vệ cho một cá nhân cụ thể mà còn giúp ngăn ngừa bệnh tật cho cả cộng đồng. Đây được xem là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe cho người tiêm và tránh xảy ra các vụ dịch lớn ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của cộng đồng.

       - Giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh truyền nhiễm

        Ước tính 85% - 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh và do đó sẽ không tử vong hay mắc di chứng do bệnh dịch gây ra. Nhờ có vắc xin mà hàng năm trên thế giới đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em khỏi nguy cơ tử vong do bệnh truyền nhiễm.

       - Vai trò xóa đói giảm nghèo, giảm gánh nặng kinh tế

       Vắc xin và tiêm chủng giúp trẻ em phát triển khỏe mạnh, hạn chế ốm đau dẫn đến giảm chi phí khám và chữa bệnh trong suốt thời gian dài trong đời vì đã được tiêm chủng phòng ngừa, giảm thời gian và công sức của gia đình, đặc biệt là phụ nữ không phải chăm sóc trẻ mắc bệnh cũng như tình trạng tàn phế, di chứng hay mất khả năng lao động do bệnh tật trong mỗi gia đình.

       Tính đến nay đã có 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa chương trình tiêm chủng phổ cập tới toàn người dân đã đủ để chứng minh lợi ích của tiêm chủng vắc - xin đối với toàn xã hội. Mọi Trẻ em có quyền được hưởng thụ các loại vắc xin trong chương trình TCMR, do vậy trách nhiệm của gia đình, các bậc cha mẹ phải đưa con, em mình đi tiêm chủng đúng lịch theo: Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế, ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.

Hoàng Cẩm