Thời điểm tháng 5, 6 nhiều quả rừng chín rộ. Trong đó có nhiều loại không rõ nguồn gốc nhưng có màu sắc sặc sỡ, nhìn ngon miệng nên người dân tự hái ăn dẫn đến ngộ độc. Các vụ ngộ độc do rau, quả từ cây rừng xảy ra chủ yếu đối với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đáng lưu ý các gia đình có con đang trong độ tuổi học sinh, trên đường đi học về, đi trăn bò, lấy củi…do trẻ em chưa ý thức được sự nguy hiểm quả rừng có thể gây ngộ độc chết người mà hái ăn ngay
Cán bộ Y tế trạm Y tế xã Tát Ngà tổ chức truyền thông, hướng dẫn các em học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Tát Ngà nhận biết các loại quả rừng có nguy cơ gây ngộ độc
Những vụ ngộ độc thực phẩm do ăn quả rừng này nguyên nhân được xác định do ăn phải một số loại quả rừng: quả Hồng Châu; quả Chí Chụa (theo tiếng địa phương), quả dâu rừng, quả Mắc Rạc, quả Mỡ…
Để công tác phòng chống ngộ độc do ăn quả rừng đạt hiệu quả, ngay từ đầu tháng 5 thời điểm các loại quả rừng bắt đầu chín, Trung tâm y tế huyện đã chỉ đạo Phòng Truyền thông của Trung tâm phối hợp các Trạm Y tế xã, thị trấn, Phòng khám ĐKKV, các đơn vị trường học trên địa bàn trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, đặc biệt là đối tượng các em học sinh, giáo viên cách nhận biết các loại quả rừng thường có tại địa phương có nguy cơ gây ngộ độc và các biện pháp phòng tránh tại trường học và cộng đồng qua các buổi học ngoại khoá của các trường, các buổi chợ phiên, các buổi họp thôn bản tại cộng đồng.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân đặc biệt là trẻ em, các cấp chính quyền địa phương, gia đình và nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt các loại thực phẩm có độc tố tự nhiên như rau, quả rừng cho cộng đồng, từ hộ gia đình, trường học tuyệt đối không nên ăn các loại rau, quả rừng chưa biết rõ nguồn gốc dù chỉ một lần (không được thử) nhằm tránh những vụ ngộ độc đáng tiếc có thể xảy ra
Lý Nam