Hưởng ứng ngày Vi chất dinh dưỡng năm 2024



Cho trẻ uống Vitamin A định kỳ phòng thiếu vi chất

Cho trẻ uống Vitamin A định kỳ phòng thiếu vi chất

Năm 2024 Hưởng ứng ngày Vi chất dinh dưỡng với thông điệp “Vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho quá trình tăng trưởng, phát triển về thể lực, tầm vóc và trí tuệ, nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng của cơ thể”. Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng trong cơ thể, trong đó quan trọng là Vitamin A.

Vi chất dinh dưỡng có rất nhiều vai trò khác nhau đối với cơ thể, giúp cho cơ thể phát triển trí tuệ, thể chất đồng thời chống đỡ bệnh tật. Đặc biệt vi chất dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng về chiều cao và cân nặng ở trẻ em. Tuy nhiên, cơ thể con người lại không tự tổng hợp được hoặc chỉ tổng hợp được lượng rất nhỏ không đủ cho các hoạt động đó. Vì vậy mà con người, đặc biệt là trẻ em phải bổ sung vi chất dinh dưỡng thông qua thực phẩm hàng ngày, điển hình như:

Vitamin A: Là loại vitamin tan trong dầu cần thiết cho quá trình nhìn, phát triển xương, sinh sản, sự phân bào, sự sao chép gene. Vitamin A còn giúp điều chỉnh hoạt động của hệ miễn dịch bằng cách tạo bạch cầu chống lại vi trùng và vi rút gây bệnh. Thiếu Vitamin A trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng và dễ mắc các bệnh như: Sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp… Hậu quả nghiêm trọng nhất của thiếu vitamin A là quáng gà, khô mắt, có thể dẫn đến mù lòa.

Iốt: Là vi chất dinh dưỡng rất cần cho sự tăng trưởng và hoạt động trí não của cơ thể. Chức năng quan trọng nhất của Iốt là tham gia tạo hormone giáp T3 (Triiodothyronine) và T4 (thyroxine). Đây là những hormone rất cần cho sự phát triển bình thường của não, làm tăng quá trình biệt hóa tế bào não, tham gia vào chức năng của não bộ.

Nếu thiếu Iốt dễ dẫn đến thiếu hormone gây ra nhiều rối loạn khác nhau, gọi chung là các rối loạn do thiếu Iốt. Thiếu Iốt ở phụ nữ trong thời gian mang thai có thể gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, mẹ thiếu Iốt nặng, trẻ sinh ra có thể bị đần độn do tổn thương não vĩnh viễn. Thiếu Iốt liên tục ở trẻ em và thanh thiếu niên, sẽ gây giảm khả năng trí tuệ, giảm chỉ số thông minh, học hành kém, lưu ban, bỏ lớp, kể cả chậm phát triển thể chất, suy dinh dưỡng, lùn, kém hoạt động…

Sắt: Là một vi chất quan trọng tham gia trong quá trình tạo máu và một phần cấu trúc của bộ não. Sắt trong các hemoglobin và myoglobin có thể gắn với oxy phân tử rồi chuyển chúng vào trong máu và dự trữ ở trong cơ. Hemoglobin có trong tế bào hồng cầu và làm hồng cầu có màu đỏ. Myoglobin chỉ có ở cơ vân, có tác dụng như là nơi dự trữ oxy, chúng kết hợp với các chất dinh dưỡng để giải phóng năng lượng cho hoạt động cơ bắp.

Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng thường hay gặp nhất, phụ nữ mang thai, phụ nữ từ 15 - 49 tuổi, đặc biệt là các em gái tuổi dậy thì, là những đối tượng thường bị đe dọa thiếu máu dinh dưỡng. Đối với trẻ em thiếu sắt làm chậm lớn, suy dinh dưỡng, kém thông minh, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như: Viêm họng, viêm phổi, tiêu chảy. Đối với phụ nữ có thai thiếu sắt làm chậm phát triển bào thai, dễ bị đẻ non hay đẻ con thiếu cân, tăng tỷ lệ tử vong của mẹ và con. Đối với thanh thiếu niên và người lao động làm giảm thể lực, giảm khả năng học tập, giảm sự tập trung, chú ý, tăng rủi ro khi lao động, giảm sức đề kháng, giảm năng suất lao động.

 Kẽm: Là vi chất cần thiết để tổng hợp enzyme giúp chuyển retinol thành retinaldehyde trong ruột và các tổ chức khác (kể cả võng mạc mắt). Kẽm còn tham gia vào quá trình tổng hợp và điều hòa protein vận chuyển Vitamin A.

Thiếu kẽm có thể dẫn đến một số rối loạn tiêu hóa, chuyển hóa, thần kinh, đặc biệt là các enzyme cần thiết cho sự tổng hợp protein, acid nucleic cũng như sự tổng hợp bài tiết của nhiều hormon tăng trưởng quan trọng khác. Thiếu kẽm ở phụ nữ mang thai sẽ làm giảm cân nặng và chiều cao trẻ sơ sinh. Trẻ em thiếu kẽm sẽ dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn, chậm phát triển chiều cao, rối loạn phát triển xương, chậm dậy thì, giảm chức năng sinh dục.

Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, mỗi người, mỗi gia đình hãy thực hiện

1. Bữa ăn hằng ngày cần đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm; ưu tiên lựa chọn, sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.

2. Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.

3. Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng sẵn có ở địa phương cho bữa ăn bổ sung hằng ngày của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng cường hấp thu vitamin A và các vitamin tan trong chất béo.

4. Cho trẻ trong độ tuổi uống Vitamin A một năm 2 lần theo hướng dẫn của trạm y tế xã, phường.

5. Trẻ từ 24 – 59 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun định kỳ 2 lần một năm; Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun, sán.

6. Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt, axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

7. Tiếp xúc ánh nắng hằng ngày, đúng cách để dự phòng thiếu vitamin D.

8. Đảm bảo an toàn thực phẩm góp phần phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng.

Ngày 1-2 tháng 6, hãy cho trẻ trong độ tuổi đi uống Vitamin A theo hướng dẫn của Trạm Y tế xã, phường.

Đặc biệt đối với thuốc Vitamin A loại 100.000 IU, số lô: AS4052LA hạn sử dụng 30/7/2024; Vitamin A 200.000 IU, số lô AS4815A hạn sử dụng 30/7/2025 và thuốc tẩy giun VERMOX 500MG, số lô 22EQ035, hạn sử dụng tháng 4/2026 được uống trong đợt I năm 2024. Các lô thuốc này được cấp phát hoàn toàn miễn phí trên địa bàn toàn tỉnh và không được bán ra thị trường. Vậy người dân lưu ý khi mua và sử dụng các loại thuốc tẩy giun và Vitamin A cần kiểm tra số lô, hàm lượng, nhà sản xuất, hạn sử dụng để đảm bảo an toàn.

Thu ngân