Ngày Thế giới Phòng chống lao được tổ chức vào ngày 24 tháng 3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội. Đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu.
Diễu hành hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống Lao (24.3) tại thành phố Hà Giang
“VIỆT NAM CHIẾN THẮNG BỆNH LAO”
Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm nay trên toàn cầu là "YES! WE CAN END TB" (ĐÚNG! CHÚNG TA CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO). Chủ đề năm nay mang đến niềm hy vọng và niềm tin mạnh mẽ như một lời khẳng định đanh thép của tất cả chúng ta rằng việc chấm dứt bệnh lao là hoàn toàn có thể. Chủ đề nhấn mạnh về việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao. Những kết quả phục hồi công tác phòng chống lao tại các nước có gánh nặng bệnh lao cao sau ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19 đã cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể đến gần hơn với mục tiêu chấm dứt bệnh lao. Chủ đề lạc quan này mang đến nguồn năng lượng tràn đầy, thôi thúc và thể hiện tinh thần quyết tâm cao độ, đồng thời cho thấy sự cấp bách và cần thiết của việc đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô, tăng tốc độ thực hiện nhiều hơn vào việc chẩn đoán, điều trị dự phòng và chăm sóc bệnh lao sẽ cứu sống thêm hàng triệu người.
Tại Việt Nam, Chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao năm 2023 là "VIỆT NAM CHIẾN THẮNG BỆNH LAO". Đây là một chủ đề dễ nhớ, như một lời khẳng định, thể hiện quyết tâm cao của cả mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao.
Theo báo cáo của tổ chức y tế thế giới (WHO), đại dịch COVID-19 đã có tác động nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán và điều trị lao trong những năm vừa qua. Toàn bộ những tiến độ đã đạt được tính đến năm 2019 đã bị chậm lại, đình trệ, hoặc là hoàn toàn đảo ngược, mục tiêu thanh toán bệnh lao toàn cầu đã bị chệch hướng. Trước tình hình bệnh lao đối mặt với nhiều thách thức sau đại dịch COVID-19, CTCLQG dự kiến điều chỉnh thời gian chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, phù hợp với Chiến lược Chấm dứt bệnh lao toàn cầu.
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao năm 2021. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 12.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.
Nhằm tăng cường phát hiện bệnh lao trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh, hiện tại ngành Y tế đã phát triển mạng lưới phòng, chống lao từ tỉnh đến các xã, phường với 100% Trạm Y tế có cán bộ chuyên trách phòng, chống lao. Hàng năm, tổ chức tập huấn kỹ năng cho cán bộ y tế cấp huyện và xã, đảm bảo cung ứng vật tư, nguồn thuốc để chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân. Hoạt động truyền thông được tăng cường đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về bệnh lao. Đồng thời tăng cường hoạt động Y tế công -tư, hợp đồng với các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện về việc chuyển bệnh nhân nghi lao và bệnh nhân lao trong địa bàn toàn tỉnh về tuyến chuyên khoa. Năm 2022 toàn tỉnh đã phát hiện 519 trường hợp mắc lao các thể.
Bệnh lao có nhiều thể: Lao phổi, lao hạch bạch huyết, lao màng phổi, lao màng não, lao màng bụng, lao ruột, lao xương khớp, lao hệ sinh dục - tiết niệu. Ngoài thể lao phổi, các thể lao khác ít có nguy cơ truyền bệnh cho người khác. Nhưng trên thực tế trong số người mắc lao thì có 80% người mắc bệnh ở thể lao phổi.
Các triệu chứng toàn thân chung của bệnh lao là: Sốt (thường là sốt nhẹ về chiều hoặc đêm), kèm theo là mệt mỏi, kém ăn, gầy sút cân, da xanh, thiếu máu… Vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể bằng nhiều đường khác nhau, nhưng chủ yếu là đường hô hấp. Thời gian nguy hiểm của người mắc lao là ở giai đoạn đầu từ khi họ có triệu chứng đầu tiên đến khi được điều trị đặc hiệu theo phác đồ của ngành Y tế và là giai đoạn lây nhiễm cho người xung quanh. Mức độ nguy hiểm của nguồn lây giảm dần khi được điều trị đặc hiệu từ 2 tuần trở lên. Khả năng lây càng mạnh khi có tiếp xúc với nguồn lây trực tiếp thường xuyên, liên tục.
Để công tác phòng, chống lao đạt hiệu quả cần tiêm vắc xin BCG phòng lao cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi một cách đầy đủ, đúng kỹ thuật và đảm bảo chất lượng là biện pháp phòng bệnh chủ động và đặc hiệu để phòng bệnh Lao. Đây là loại vắc xin tiêm chủng miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trẻ em mới sinh ra cần được tiêm ngay một liều vắc xin BCG càng sớm càng tốt. Do vậy việc tiêm chủng vắc xin BCG cho trẻ sơ sinh trong chương trình tiêm chủng mở rộng có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng chống lao.
Thu Ngân