Hội thảo “Triển khai thí điểm mô hình lồng ghép dịch vụ tiêm chủng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở”



Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Nguyễn Lương Tâm phát biểu tại Hội thảo.

Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Nguyễn Lương Tâm phát biểu tại Hội thảo.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cục Y tế Dự phòng, Hội thảo "Triển khai thí điểm mô hình lồng ghép dịch vụ tiêm chủng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở" đã được tổ chức vào ngày 04 và 05/12 tại TP Hà Giang. Mục đích của mô hình lồng ghép dịch vụ tiêm chủng với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại tuyến cơ sơ nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm chủng và phát hiện, quản lý, điều trị tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ĐTĐ), giảm các trường hợp tàn tật tử vong sớm, góp phần chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ cộng đồng.

Tham gia Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan thuộc Bộ Y tế; Cục Y tế Dự phòng; Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, Văn phòng WHO tại Việt Nam, đại diện Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hà Giang, Trung tâm Y tế 2 huyện Vị Xuyên, Quản Bạ.

Image Alt

Đồng chí Vũ Hùng Vương- Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo bác sĩ, Nguyễn Thị Thanh Hương- Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Giang chia sẻ về thực trạng triển khai các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại tuyến cơ sở. Hệ thống tiêm chủng trên địa bàn tỉnh diễn ra thường xuyên tại 100% xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh có 1.121 cán bộ tham gia hoạt động tiêm chủng đều được tập huấn và có giấy chứng nhận tiêm chủng hàng năm. Kết quả trong 3 năm, từ năm 2021-2023: năm 2021 tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt 96,56%, năm 2022: đạt 82,89%, năm 2023 đạt 55,28%. Công tác tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng trong thời gian qua tại Hà Giang còn gặp một số khó khăn, gián đoạn trong hoạt động cung ứng vắc xin do: Thiếu vắc xin IPV; vắc xin SII; vắc xin DPT4; vắc xin Uốn ván; vắc xin BCG. Tính đến hết tháng 10 năm 2024, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em như: Tiêm VGBSS: đạt 57,1%; Tiêm BCG: đạt 84,78%; Tiêm chủng đầy đủ: đạt 78,20%; Tiêm Sởi/Rubella đạt: 88,06%; tiêm chống dịch Sởi năm 2024: đạt 97%...; Hoạt động chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em (01/11/2023 đến tháng 31/10/2024) Tổng số phụ nữ đẻ là 15.045 người. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được quản lý thai: 84,3%; Tỷ lệ phụ nữ đẻ được tiêm phòng uốn ván đủ liều: 78,8 %; Tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế có kỹ năng đỡ: 80,6 %; Tổng số bà mẹ/trẻ sơ sinh được chăm sóc tại nhà trong 42 ngày sau sinh đạt 77,9%…; Tình trạng suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi còn ở mức cao, đặc biệt là các huyện vùng cao như: Đồng Văn, Mèo Vạc; Yên Minh. 10 tháng đầu năm 2024, Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân: 16,20%; thể thấp còi: 30,49%. Trẻ dưới 2 tuổi được ăn bổ sung đúng và đủ, đạt 41%... Hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khoẻ tâm thần. Hoạt động phòng chống các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường: tổng số xã quản lý 193 xã/phường. Tổng số bệnh nhân THA được phát hiện 42.723 bệnh nhân. Số quản lý và điều trị là: 23.892 bệnh nhân. Tổng số bệnh nhân ĐTĐ được phát hiện là: 9.695. Số quản lý và điều trị là: 5.961 bệnh nhân. Mở rộng đối tượng: người từ 40 tuổi trở lên, giúp phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm để đưa về trạm theo dõi, quản lý và điều trị…

Image Alt

Đồng chí: Nguyễn Thị Thanh Hương- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Giang chia sẻ thực trạng triển khai các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại tuyến cơ sở.

Tiến sĩ, Viên Chinh Chiến -Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, đã trình bày kết quả thí điểm mô hình lồng ghép tiêm chủng và sàng lọc bệnh không lây tại Đắk Lắk và Gia Lai. Mô hình này đã đem lại những kết quả khả quan, đặc biệt là tỷ lệ tiêm chủng cao và tỷ lệ phát hiện bệnh tăng huyết áp (THA) cùng kết quả điều trị đạt yêu cầu. Tác động của mô hình lồng ghép với hoạt động Chăm sóc sức khoẻ tại tuyến cơ sở: phát huy tối đa nguồn lực, tiết kiệm công sức, thuận lợi truyền thông; Tăng cường sự gắn kết của người dân và cán bộ y tế. Mở rộng hoạt động tiếp cận đối tượng mắc các bệnh không lây nhiễm, tăng khả năng phát hiện và quản lý người bệnh. người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ Chăm sóc sức khoẻ cùng một lúc, tiết kiệm được thời gian tránh đi lại nhiều lần; Chủ động đưa dịch vụ y tế đến người dân giúp nâng cao nhận thức về các dịch vụ Chăm sóc sức khoẻ của tuyến cơ sở. Tuy nhiên trong quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn như tại trạm y tế là mô hình thí điểm nên cách sắp xếp, bố trí nhân lực, vật lực còn đôi khi bất cập, lúng túng; tình trạng thiếu thuốc và vắc xin; tại buổi tiêm ngoài trạm thời tiết, địa hình không thuận lợi ở một số điểm tiêm ngoài trạm; thiếu trang thiết bị, nhân lực ít đôi khi quá tải hoạt động…

Đại diện Cục Y tế Dự phòng, Vụ Sức khoẻ bà mẹ trẻ em đã chia sẻ thông tin liên quan đến chương trình tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và dinh dưỡng, cũng như quản lý các bệnh không lây nhiễm. Một số định hướng trong tiêm chủng mở rộng với mục tiêu: ung ứng đầy đủ vắc xin; Duy trì thành quả và nâng cao hiệu quả công tác Tiêm chủng mở rộng (TCMR); triển khai các vắc xin mới. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ; Tăng cường và duy trì tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 90% giai đoạn đến năm 2025 và đạt trên 95% giai đoạn từ 2026-2030; rà soát tiền sử, tổ chức tiêm chủng theo lịch hoặc tiêm chủng bù liều, tiêm chủng trường học, tiêm chủng trọn đời. Duy trì thành quả và hiệu quả nâng cao hiệu quả TCMR. Phối hợp với WHO triển khai thí điểm mô hình lồng ghép tiêm chủng với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ (CSSK) ban đầu khác tại tuyến cơ sở. Nghiên cứu, đánh giá, đề xuất bổ sung các vắc xin khác vào TCMR, đề xuất sử dụng vắc xin công nghệ mới trong TCMR như vắc xin Viêm não Nhật Bản…

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam trình bày dự thảo mô hình lồng ghép tiêm chủng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tập trung vào tăng huyết áp và tiểu đường; Cách tiếp cận y tế công cộng trong quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm; Kế hoạch tiêm chủng toàn cầu đến năm 2030 (IA2030) và chiến lược lồng ghép tiêm chủng và tiêm chủng trọn đời; cơ sở đưa ra chiến lược lồng ghép các dịch vụ CSSK tại tuyến cơ sở tại Việt Nam; Đề xuất mô hình thí điểm lồng ghép các dịch vụ CSSK thiết yếu vào nền tảng TCMR; Đề xuất các bước triển khai và đánh giá mô hình thí điểm…

Thảo luận và đóng góp ý kiến của các chuyên gia WHO và các đơn vị liên quan về việc triển khai mô hình cùng những vấn đề cần giải quyết như: nguồn lực, đào tạo cán bộ y tế, và việc huy động sự tham gia của cộng đồng. Các ý kiến, đề xuất nhằm hoàn thiện mô hình lồng ghép dịch vụ tiêm chủng với chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở…những khó khăn, vướng mắc trong khi thực hiện mô hình lồng ghép tại địa phương. Các vấn đề sức khỏe cộng đồng và nhu cầu về dịch vụ CSSK tại địa phương (tỉnh/huyện); Khả năng lồng ghép dịch vụ trong các buổi tiêm tại điểm tiêm cố định và điểm tiêm ngoài trạm…

Trước khi diễn ra hội thảo, đoàn công tác của các Cục, Vụ, Viện, đã đi khảo sát thực tế tại 4 trạm y tế xã thuộc 2 huyện Vị Xuyên và Quản Bạ để tìm hiểu quá trình triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến xã, bao gồm tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, các bệnh không lây nhiễm đang triển khai tại trạm y tế xã./.

Image AltImage AltImage Alt

Một số hình ảnh tại Hội thảo

(Tin, ảnh: Thu Hoà- Thu Hương)