HỘI THẢO TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH DINH DƯỠNG VÀ CHIA SẺ CHIẾN LƯỢC DINH DƯỠNG GIAI ĐOẠN 2021-2030 TẬP TRUNG VÀO 1000 NGÀY ĐẦU ĐỜI



Ngày 28.6, Sở Y tế tổ chức Hội thảo tổng kết chương trình dinh dưỡng và chia sẻ chiến lược dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 tập trung vào 1.000 ngày đầu đời.

Đồng chí Nguyễn Đình Dích, Giám đốc Ban điều hành dự án Plan Sở Y tế phát biểu khai mạc Hội nghị

Đồng chí Nguyễn Đình Dích, Giám đốc Ban điều hành dự án Plan Sở Y tế phát biểu khai mạc Hội nghị

Tham dự hội thảo có lãnh đạo Sở Y tế, Giám đốc dự án Plan vùng Hà Giang, Ban quản lý dự án Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật; Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, Sở Giáo dục & Đào tạo, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Sở Ngoại vụ; Tuyến huyện có Đại biểu Ban điều hành và Điều phối viên, Ban Quản lý dự án Plan, Trung tâm Y tế 4 huyện dự án: Mèo Vạc, Yên Minh, Hoàng Su Phì, Xín Mần; Đại biểu Trung tâm Y tế 7 huyện, thành phố ngoài dự án: Huyện, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê, Quản Bạ, Đồng Văn và TP. Hà Giang; Tuyến xã có các đại biểu của 16 xã dự án của 4 huyện dự án.

Khai mạc Hội thảo đồng chí Nguyễn Đình Dích - Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc điều hành dự án Plan Sở Y tế cho biết: Trong các chương trình mục tiêu Quốc gia y tế - dân số thì chương trình phòng chống suy dinh dưỡng là chương trình khó khăn nhất với ngành y tế Hà Giang khi mà tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) năm 2020 chiếm 29,9% so với toàn quốc (19,5 %), so với Khu vực Trung du và Miền núi phía bắc; Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) năm 2020 chiếm 18,6% so với toàn quốc; Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể gầy còm (cân nặng/chiều cao) năm 2020 đang ở mức 8,8% so với mặt bằng chung của khu vực vẫn cao hơn. Trong đó các huyện có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất gồm: Mèo Vạc, Yên Minh, Đồng Văn, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê, Vị Xuyên và Quang Bình, Bắc Quang. Cụ thể: Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở huyện Mèo Vạc trên 60% là thể thấp còi, mặc dù dự án triển khai nhiều năm nhưng mức độ cải thiện vẫn rất hạn chế. Hà Giang là một tỉnh được dự án Plan hỗ trợ triển khai tại 16 xã của 4 huyện: Mèo Vạc, Yên Minh, Hoàng Su Phì, Xín Mần, từ khi triển khai tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em trong độ tuổi 1.000 ngày đầu đời tại 16 xã có cải thiện nhất định. Dự án hỗ trợ các gia đình triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế như: nuôi gà, nuôi chim bồ câu nhằm cung cấp bữa ăn dinh dưỡng hợp lý cho trẻ và nhiều mô hình kinh tế khác nhằm phát triển kinh tế để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng…; đồng chí nhấn mạnh: thông qua buổi Hội thảo các đại biểu tham dự đánh giá chương trình suy dinh dưỡng đã triển khai tại các xã những thuận lợi, khó khăn vướng mắc khi triển khai đồng thời chi sẻ kinh nghiệm để tìm ra những giải pháp cải thiện về sau và những năm tiếp theo cũng như sự phối hợp với các ban ngành đoàn thể trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em… Đồng chí mong muốn dự án Plan tiếp tục quan tâm triển khai nhân rộng mô hình ra nhiều xã và các huyện trong tỉnh.

Báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 của Sở Y tế: 100% trẻ dưới 5 tuổi  được các đơn vị y tế tuyến cơ sở quản lý và theo dõi theo đúng hướng dẫn của Viện Dinh dưỡng Trung ương - Bộ Y tế. Đối với trẻ < 2 tuổi được cân, đo, theo dõi tăng trưởng 3 tháng/lần, kịp thời phát hiện các trường hợp sút cân, không tăng cân, suy dinh dưỡng cấp tính từ đó đưa ra hướng xử ký kịp thời. Đối với trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng các Trạm Y tế xã, phường đã triển khai cân, đo và tư vấn cho bà mẹ cách chăm sóc nuôi dưỡng giúp trẻ thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng hàng tháng; trẻ 24 - 60 tháng không bị suy dinh dưỡng được cân, đo 2 lần/năm vào dịp 1-2/6 và tháng 12 năm 2021. Cải thiện tình trạng dinh dưỡng số trẻ từ 7 - 60 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng được phân bổ và sử dụng sản phẩm là: 4.947 trẻ; Tổng số phụ nữ có thai được sử dụng viên đa vi chất là: 10.040/11.686 đạt 86%. Bên cạnh đó, các huyện dự án đã tổ chức tập huấn cho: 1.136 người; Thực hành trình diễn bữa ăn dinh dưỡng: 1.692 lượt; Khám thai: 874 lượt; Chăm sóc sau sinh tại nhà: 574 lượt; Cấp phát sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng: Đavikid: 3.140 trẻ; Nufavie bột ngọt: 1.940 trẻ; Nufavie bột mặn: 1.940 trẻ; Đavinmaamaa cho: 327 bà mẹ... Nguồn ngân sách Tổ chức Plan hỗ trợ: 108 triệu đồng.                         

Hội thảo tập trung đánh giá kết quả triển khai các hoạt động công tác dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh Hà Giang, tập trung vào 1.000 ngày đầu đời. Kết quả triển khai các hoạt động chương trình dinh dưỡng tại các xã triển khai dự án. Chia sẻ giải pháp cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em. Chia sẻ chiến lược dinh dưỡng tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2030, tập trung vào 1.000 ngày đầu đời. Giới thiệu phần mềm thực đơn dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ.

Phát biểu tại Hội thảo đồng chí Giám đốc dự án Plan vùng Hà Giang đánh giá cao những nỗ lực của ngành y tế cũng như Ban quản lý dự án 4 huyện trong việc tổ chức triển khai công tác phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng các huyện dự án đã triển khai rất tốt các hoạt động. Đồng chí cho biết trong thời gian tới dự án tiếp tục hỗ trợ triển khai tại 16 xã của 4 huyện, đồng thời hỗ trợ can thiệp cho các giáo viên mần non về vấn đề dinh dưỡng; cam kết tiếp tục đồng hành với Sở Y tế trong việc triển khai hỗ trợ cho các huyện, xã trong khám thai, cân và theo dõi trẻ, tư vấn cho bà mẹ trước và sau sinh, hỗ trợ gói đẻ sạch tại nhà… đồng thời, Plan tập trung vào hỗ trợ dinh dưỡng hộ gia đình, hỗ trợ các nhóm gia đình có con bị suy dinh dưỡng tự làm sữa từ đậu nành…Để góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, cải thiện bữa ăn dinh dưỡng cũng như giản tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Thu Hòa