Ngày 24.11, Sở Y tế tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thảo về Tăng cường năng lực Y tế cơ sở năm 2023, nhằm củng cố và đưa ra các giải pháp cải thiện trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân cho những năm tiếp theo.
Đồng chí Nguyễn Văn Giao, Quyền Giám đốc Sở Y tế phát biểu khai mạc tại Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Ban Giám đốc và Trưởng phòng các phòng trực thuộc Sở Y tế hà Giang; Lãnh đạo các Bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế Thành phố Hà Giang; cùng Lãnh đạo Sở Y tế, và lãnh đạo các phòng trực thuộc Sở Y tế của 27 tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra.
Phát biểu tại Hội thảo đồng chí Nguyễn Văn Giao, Quyền Giám đốc Sở Y tế cho biết: Hiện nay việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của Trạm Y tế theo quy định còn nhiều hạn chế đặc biệt là tỷ lệ khám chữa bệnh còn thấp; trang thiết bị đáp ứng nhu cầu khám cấp cứu ban đầu cũng còn hạn chế, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua, các Trạm Y tế đã bộc lộ sự thiếu hút khó khăn về nhân lực, trang thiết bị cơ sở vật chất để phục vụ cho các hoạt động phòng chống dịch. Trước thực trạng đó với mục tiêu lấy người dân là trung tâm, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án “Triển khai thí điểm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Trạm Y tế xã trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2023 – 2025” gọi tắt là Đề án 544, nhằm nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở đặc biệt là tuyến xã, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn; cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục; phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân...
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 175 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn và 18 Phòng khám Đa khoa khu vực có thực hiện chức năng nhiệm vụ của Trạm Y tế tuyến xã. Năm 2023, có 11 Trạm Y tế được lựa chọn triển khai Đề án 544, gồm: Nậm Ban (Mèo Vạc), Lũng Cú (Đồng Văn), Ngọc Long (Yên Minh), Quyết Tiến (Quản Bạ), Đường Hồng (Bắc Mê), Linh Hồ (Vị Xuyên), Hùng An (Bắc Quang), Tiên Yên (Quang Bình), Hồ Thầu (Hoàng Su Phì), Thèn Phàng (Xín Mần) và Phương Thiện (Thành phố Hà Giang). Các xã thực hiện đề án đều nghiêm túc triển khai theo đúng hướng dẫn của Sở Y tế và có được sự ủng hộ, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương. Công tác phòng chống dịch bệnh đươc triển khai đầy đủ, duy trì tốt hoạt động tại các điểm tiêm chủng, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng các loại vắc xin phổ cập theo quy định của Bộ Y tế đạt 59,8% (Giảm so với cùng kỳ năm 2022, nguyên nhân do thiếu vắc xin); trong công tác khám chữa bệnh: 11/11 Trạm Y tế triển khai Đề án đều được hỗ trợ, chuyển giao về công tác sơ, cấp cứu ban đầu, trong đó tập trung vào các chuyên khoa chính như: Nội khoa, nhi khoa, sản khoa, ngoại khoa; tổng số lượt khám chữa bệnh là 39.263 lượt, tăng 6.774 lượt so với cùng kỳ 2022; công tác quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm, chăm sóc sức khỏe sinh sản, quản lý sức khỏe cộng đồng, cung ứng thuốc thiết yếu, an toàn thực phẩm… được triển khai hiệu quả. Trong năm trên địa bàn các xã triển khai đề án không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Đồng chí Đỗ Thị Mỹ, Phó Giám đốc Sở Y tế báo cáo thực trang triển khai Đề án 544 tại Hội thảo.
Tại Hội thảo các đại biểu đã thảo luận tình hình thực tế tại các địa phương, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động chuyên môn nhằm nâng cao năng lực y tế cơ sở về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nam tặng tranh lưu niệm cho Sở Y tế tỉnh Hà Giang
Sau Hội thảo Sở Y tế cùng Đoàn công tác của 27 tỉnh đi thực tế công tác triển khai đề án thí điểm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại huyện Đồng Văn.
Lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Hồng Mai – Thùy Dung