Hội thảo đánh giá công tác phòng chống bệnh giun truyền qua đất tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2024 và xây dựng kế hoạch phòng chống giai đoạn 2025 – 2030



TS. Nguyễn Thị Thúy Vân, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam trình bày Chương trình toàn cầu về bệnh giun truyền qua đất tại Hội thảo.

TS. Nguyễn Thị Thúy Vân, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam trình bày Chương trình toàn cầu về bệnh giun truyền qua đất tại Hội thảo.

Ngày 5.11, tại Hà Giang, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức Hội thảo đánh giá công tác phòng chống bệnh giun truyền qua đất tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2024 và xây dựng kế hoạch giai đoạn 2025 – 2030.

          Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Thị Thúy Vân, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; TS. Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương; Bs.CKII Vũ Hùng Vương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Giang; đại diện lãnh đạo Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Thành phố Hồ Chí Minh, Quy Nhơn và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của 28 tỉnh/thành phố thuộc phía Bắc và các tỉnh Quy Nhơn, Đắk Lăk, Lâm Đồng.

          Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe Chương trình toàn cầu về bệnh giun truyền qua đất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tiến độ bao phủ thực hiện hóa trị dự phòng bệnh giun lây truyền qua đất; tình hình kiểm soát bệnh giun lây truyền qua đất tại Việt Nam. Báo cáo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, Quy Nhơn và thành phố Hồ Chí Minh về kết quả hoạt động phòng chống bệnh ký sinh trùng tại Việt Nam và khu vực trong giai đoạn 2021 - 2024. Tại tỉnh Hà Giang, công tác phòng chống bệnh giun truyền qua đất vẫn được triển khai thường quy với các hoạt động giám sát, truyền thông và thực hiện chiến dịch uống thuốc tẩy giun cho các nhóm đối tượng nguy cơ tại cộng đồng với tỷ lệ hàng năm đạt trên 99%. Công tác điều tra tình hình nhiễm giun tại cộng đồng giai đoạn từ năm 2021 – 2024 cho thấy tỷ lệ mắc giun, sán tập trung cao ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, nơi còn nhiều phong tục lạc hậu trong đời sống sinh hoạt, chăn nuôi và trồng trọt. Các loại giun mắc chủ yếu là giun tóc, giun đũa, giun móc, giun kim.

Tại Hội thảo, đại biểu nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cũng như tập trung thảo luận nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bệnh giun truyền qua đất và bệnh ký sinh trùng giai đoạn 2025 - 2030 trước những khó khăn về nguồn kinh phí bị cắt giảm như hiện nay.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương ghi nhận những kết quả mà các địa phương đã đạt được trong thời gian qua. Đồng chí cho biết, bệnh giun truyền qua đất và ký sinh trùng là bệnh có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, nòi giống và tầm vóc của con người, qua đó mong muốn các địa phương cần duy trì được hệ thống, nhân lực được đào tạo bài bản về bệnh ký sinh trùng nói chung và bệnh giun truyền qua đất nói riêng; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông; vận động nguồn lực đầu tư cho hoạt động phòng chống bệnh ký sinh trùng và quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học...

Thùy Dung - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật