Hội nghị trực tuyến toàn quốc hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024 và phát động triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi



Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Sở Y tế Hà Giang

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Sở Y tế Hà Giang

Chiều ngày 22.8, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến  toàn quốc hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024 và phát động triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi. Dự có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện của Bộ Y tế; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi; đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam.

Dự hội nghị tại điểm cầu Sở Y tế có đồng chí Vũ Hùng Vương - Phó Giám đốc Sở Y tế; đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh; lãnh đạo và một số khoa phòng chuyên môn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các huyện/thành phố. 

Tuần lễ tiêm chủng thế giới hàng năm là sáng kiến do Tổ chức Y tế thế giới phát động nhằm kêu gọi các quốc gia, các tổ chức hành động cần thiết để trẻ em, cộng đồng được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin, giúp họ có cuộc sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn. Hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024 có chủ đề “Chung tay tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh”.

Phát biểu tại hội nghị trực truyến, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng nhất để dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhờ tiêm chủng vaccine, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thanh toán, loại trừ hoặc khống chế. Tiêm chủng mở rộng là một trong những chương trình về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng thành công nhất hiện nay ở Việt Nam, hơn 40 năm qua, hàng trăm triệu liều vaccine đã được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ Việt Nam, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ mắc và tử vong.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thành tựu đã đạt được, công tác tiêm chủng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức như: Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn diễn biến khó lường, khó dự báo; đại dịch COVID-19 vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ tiêm chủng; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện trở lại...Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh để đẩy tăng cường công tác tiêm chủng: Đề nghị các bậc cha mẹ, hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch vì sức khỏe của con em mình; UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ban ngành tăng cường phối hợp triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; ngành Giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc rà soát tiền sử tiêm chủng, tuyên truyền vận động các gia đình, phụ huynh học sinh đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine. Đối với Chiến dịch tiêm vaccine Sởi, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh quan tâm chỉ đạo Sở, ban ngành xây dựng, ban hành Kế hoạch tiêm chủng bổ sung vaccine Sởi-rubella, bố trí đầy đủ kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cho điểm tiêm chủng bao gồm cả các đội cấp cứu lưu động. Tổ chức buổi tiêm chủng và theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai kế hoạch sử dụng vaccine mới như vaccine phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota, vaccine phòng bệnh do Phế cầu, vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung do virus HPV và xem xét báo cáo Chính phủ bổ sung thêm các loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm khác để có thêm cơ hội phòng bệnh cho nhân dân.

Cũng tại hội nghị, Bộ Y tế đề nghị các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, Liên minh toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng… tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho công tác tiêm chủng mở rộng Việt Nam, một quốc gia có dân số lớn và đặc điểm dịch tễ bệnh truyền nhiễm phức tạp.

Liên Hương – Hoàng Lan