HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN “NÂNG CAO CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHOẺ NHÂN DÂN; CHỦ ĐỘNG THÍCH ỨNG LINH HOẠT, GÓP PHẦN PHỤC HỒI NHANH, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”



Sáng 21/8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến “Nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững, hội nghị kết nối với 63 tỉnh thành trong cả nước

Đ.c  Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh

Đ.c Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan và các đơn vị thuộc Bộ Y tế. Chủ trì tại điểm cầu Hà Giang có đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng dự có đại diện lãnh đạo các Sở: Tài chính; Thông tin và Truyền thông; Lao động Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Văn hoá Thể thao và Du lịch; Sở Y tế; đại diện các phòng, ban Sở Y tế; Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm; Chi cục Dân số Kế hoạch hoá gia đình; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.

Báo cáo tại Hội nghị, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ: Trong hơn 2 năm qua kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế - xã hội toàn cầu đã có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường.Với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội; thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả, dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát trên phạm vi cả nước, các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường. Cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngành Y tế đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách do đại dịch COVID-19 để thực hiện kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và đạt được những kết quả tích cực, quan trọng. Về cơ bản, ngành Y tế đạt được các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao: Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng từ 81,7% năm 2016 lên 91,01% năm 2021(vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 80% năm 2020 sớm hơn 4 năm). Ước vượt chỉtiêu giao năm 2022 của Quốc hội và Chính phủ về số bác sĩ trên 10.000 dân, đạt 10 bác sỹ (chỉ tiêu giao là 9,4/10.000); số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 30,5giường bệnh (chỉ tiêu giao là 29,5/10.000). Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thựchiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ lĩnh vực y tế. Trong giai đoạn 2000-2021: Tỷ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống đã giảm 3,75 lần; tỷ suất tửvong trẻ dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi giảm xấp xỉ 3 lần. Tầm vóc người dân được cải thiện rõ rệt, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng từ 152,3 cm năm 2000 lên 155,6 cm năm 2020 đối với nữ; và từ 162,3 cm năm 2000 lên 168,1 cm năm 2020 đối với nam, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Thái Lan và Malaysia), tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao thanh niên trong giai đoạn 1955-1995.Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người dân tăng từ 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,6 năm 2021, cao hơn trung bình thế giới (73) và nhiều nước có mứcthu nhập bình quân đầu người tương đương. Sản xuất vắc xin trong nước bảo đảm 11/12 loại vắc xin tiêm chủng, góp phần bảo đảm an ninh vắc xin quốc gia; hệ thống quốc gia về vắc xin của Việt Nam (NRA) đã được Tổ chức y tế thế giới đánh giá và công nhận; làm chủ các công nghệ và kỹthuật quan trọng trong sàng lọc, phát hiện tác nhân gây bệnh dịch nguy hiểm (Sởi, Sốt xuất huyết, SARS, Cúm A, …).

Bên cạnh những kết quả đạt được, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng đưa ra những tồn tại, hạn chế cần tập trung xử lý sớm, cụ thể: Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh; hệ thống thể chế, các vấn đề về tài chính y tế còn nhiều bất cập; quy định việc mua sắm trang thiết bị y tế, đấu thầu thuốc còn nhiều hạn chế; chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức độ công việc…

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận, biểu dương những đóng góp của ngành Y tế, đồng thời chia sẻ với những khó khăn của lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch bệnh hơn 2 năm vừa qua. Để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới ngành Y tế cần: Thấm nhuần lời dậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh“Lương y như từ mẫu”, đặt tính mạng sức khoẻ nhân dân lên trên hết, coi người bệnh như người thân ruột thịt; phát triển hệ thống y tế toàn diện cả công lập và ngoài công lập; phát huy tinh thần đoàn kết, với mục tiêu tất cả vì người bệnh; tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tiêm chủng vắc xin với mục tiêu không để dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại…

Thu Ngân