Hội nghị tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh Dại tỉnh Hà Giang



Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm cùng với đại diện Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương

Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm cùng với đại diện Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương

         Ngày 19.10, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức Hội nghị tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại tỉnh Hà Giang. Dự Hội nghị có đại diện Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Công ty AMV Đức Minh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện/thành phố, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện/thành phố.

         Tại Hội nghị các đại biểu được nghe báo cáo tóm tắt về thực trạng bệnh dại trên người ở Việt Nam và Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021, thực trạng bệnh dại trên người và trên động vật tại Hà Giang; các giải pháp chủ yếu trong quản lý chó nuôi, tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, dự phòng bệnh dại cho người...

         Trong 5 năm qua (2015-2020), trên địa bàn tỉnh đã có 15 ca tử vong do chó dại cắn. Hầu hết các trường hợp tử vong không tiêm phòng vắc xin. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do bệnh dại, trong đó có 3 trường hợp tại các xã Yên Cường và Lạc Nông huyện Bắc Mê. Chỉ trong tháng 8 – 9.2020 đã có nhiều người bị súc vật nghi dại cắn cùng tại địa phương trên và không đi tiêm phòng. Điều đó cho thấy, nguy cơ gia tăng số người mắc và tử vong do bệnh dại trong thời gian tới là rất cao. Nguyên nhân do một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng chống bệnh dại; nhận thức của người dân về phòng chống bệnh dại còn rất hạn chế, chủ quan không tiêm phòng sau khi bị súc vật nghi dại cắn. Khó khăn một phần là do điều kiện kinh tế của đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, giá thành tiêm vắc xin cao, sự đầu tư cho công tác phòng chống bệnh dại rất thấp. Chính vì vậy, trong thời gian tới tại các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông tại cộng đồng; mở rộng điểm tiêm dịch vụ, đảm bảo vắc xin và huyết thanh tiêm phòng dại ở tất cả các điểm tiêm phòng; tiêm miễm phí cho trẻ em <6 tuổi và người nghèo bị súc vật nghi dại cắn từ nguồn ngân sách địa phương; nâng cao năng lực phòng chống bệnh dại cho cán bộ y tế - thú y; duy trì hệ thống giám sát và thống kê báo cáo…

       Hệ thống tiêm vắc xin phòng dại trên địa bàn tỉnh đã triển khai các phòng tiêm tại các Trung tâm y tế các huyện và phòng tiêm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (SAFPO) và các điểm tiêm tư nhân, số tiêm tập trung tại các huyện lớn như: Bắc Quang, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang với hình thức tiêm dịch vụ, tiêm miễn phí cho trẻ em <6 tuổi và người nghèo.

         Đại diện Công ty AMV đã cập nhật về tình hình cung cấp và sử dụng vắc xin dại và huyết thanh kháng dại, đánh giá độ bền miễn dịch và an toàn của vắc xin phòng bệnh dại hiện nay đồng thời tóm tắt các điểm mới của khuyến cáo  của Tổ chức Y tế thế giới trong tiêm vắc xin phòng dại cho người.

        Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận về tình hình bệnh dại tại huyện Bắc Mê và cách khống chế dịch hiệu quả; các giải pháp tăng tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho người và giải pháp quản lý đàn chó, tăng tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó. Trong thời gian tới các địa phương cần tập trung nguồn lực để triển khai các biện pháp trọng tâm cấp bách phòng chống bệnh dại trên địa bàn: Tăng cường đa dạng công tác truyền thông, tuyên truyền phòng chống bệnh dại trên động vật và trên người để nâng cao nhận thức của người dân; tổ chức quản lý chặt chẽ đàn chó, mèo nuôi; nâng cao tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó,… phấn đấu thực hiện đạt các mục tiêu đề ra của “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021”./.

Thu Hòa