Một buổi truyền thông về các biện pháp tránh thai an toàn tại thôn Thình Lủng, xã Pải Lủng (Mèo Vạc)
Thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) chính là việc điều chỉnh hay lên kế hoạch sinh con và áp dụng các phương pháp KHHGĐ để bảo vệ sức khỏe, xây dựng gia đình hạnh phúc, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời, thực hiện tốt KHHGĐ còn góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững và ổn định trật tự xã hội. Tuy nhiên, nếu không thực hiện tốt các biện pháp KHHGĐ sẽ dẫn đến những hậu quả sau:
Tăng tỉ lệ nạo phá thai: Nhiều trường hợp vì bất cẩn không thực hiện các biện pháp tránh thai nên rất dễ xảy ra tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nhiều chị em vì không đủ điều kiện kinh tế để chăm lo cho đứa trẻ nên bắt buộc phải tiến hành thực hiện các thủ thuật phá thai. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của nữ giới nếu xảy ra tai biến trong quá trình làm thủ thuật.
Tăng nguy cơ mắc các bệnh về phụ khoa ở phụ nữ: Nạo phá thai nhiều lần do không kế hoạch cộng thêm những sai sót xảy ra trong khi thực hiện các biện pháp đình chỉ thai nghén làm cho cơ quan sinh dục bị tổn thương, sức đề kháng của cơ thể yếu tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn xâm nhập, phát triển và hình thành các bệnh phụ khoa. Những bệnh phụ khoa mà chị em dễ mắc phải do không thực hiện kế hoạch hóa gia đình như viêm âm đạo, lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu, thậm chí là ung thư buồng trứng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, tác hại khôn lường đối với sức khỏe của chị em.
Tăng dân số: Những đứa trẻ được sinh ra không theo kế hoạch sẽ khiến cho mật độ dân số ngày càng tăng cao, có thể dẫn đến bùng nổ dân số kèm theo các vấn đề về kinh tế xã hội phát sinh như lạm phát, tình trạng đói nghèo gia tăng, trật tự xã hội mất ổn định,…làm cho chất lượng cuộc sống ngày càng giảm sút. Đồng thời, tình trạng này sẽ cản sự phát triển kinh tế của quốc gia, thậm chí có thể gây bất ổn về chính trị, ảnh hưởng đến những nỗ lực phát triển của quốc gia và khu vực.
Chính vì vậy, để không xảy ra những hậu quả trên, mỗi người cần tự nâng cao kiến thức và biện pháp thực hiện tốt KHHGĐ để từ đó hạn chế việc sinh con ngoài ý muốn, phòng tránh được những bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan qua đường tình dục hay các bệnh phụ khoa,... cũng như giảm thiểu được tình trạng gia tăng dân số và chống lại đói nghèo, đóng góp cho sự phát triển ổn định về kinh tế và dân số của nước nhà.
Thùy Dung (Soạn)