Hà Giang ứng dụng hiệu quả phần mềm quản lý Y tế xã, phường liên thông tại các đơn vị y tế



Trong những năm vừa qua, Sở Y tế đã quan tâm chỉ đạo triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý, điều hành chỉ đạo, chuyên môn nghiệp vụ của ngành, với các phần mềm: Quản lý văn bản M-OFFICE, VNPTiOffice, dịch vụ công trực tuyến, quản lý tiêm chủng Quốc gia, quản lý hành nghề y, quản lý bệnh truyền nhiễm và một số phần mềm chuyên môn nghiệp vụ khác, đặc biệt là phần mềm quản lý Y tế xã, phường liên thông đã triển khai đến 100% các tr

Ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh tại TYT thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang

Ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh tại TYT thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang

Từ năm 2014, Sở Y tế đã chủ động phối hợp với Công ty cổ phần giải pháp công nghệ NIDI triển khai thí điểm phần mềm quản lý y tế xã phường liên thông tại 08 Trạm Y tế thuộc Trung tâm Y tế thành phố, 03 trạm y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện Bắc Quang. Năm 2015 đến nay, đã triển khai đến 206 đơn vị gồm Văn phòng Sở Y tế; 11 Trung tâm Y tế huyện, thành phố; 195 TYT xã, phường, thị trấn và Phòng khám Đa khoa khu vực. Với chức năng là quản lý dân số; quản lý thuốc, thiết bị - vật tư; quản lý khám chữa bệnh; quản lý chương trình chăm sóc sức khỏe; quản lý nhân sự; quản lý người dùng; quản lý hệ thống báo cáo. Phần mềm được cài trên máy tính có kết nối mạng Internet, được cấp tài khoản để truy cập sử dụng, dữ liệu tập trung trên máy chủ (server), thuận tiện cho các cấp quản lý, kiểm tra, xem báo cáo trực tiếp mà luôn đảm bảo độ chính xác và cập nhật kịp thời. Từ đó giúp cho cơ quan quản lý theo dõi kho thuốc, tình hình khám, chữa bệnh ở cơ sở hàng ngày, tình hình tiêm chủng, phụ nữ khám thai, dân số... Đồng thời, chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, thống kê chi phí khám chữa bệnh, thanh quyết toán BHYT và tình hình chuyển tuyến được thuận lợi hạn chế tối đa sai sót.

Hiện nay, 100% các cơ sở y tế đã không còn phải ghi chép tay các sổ sách, quản lý bệnh án nội trú, các biểu mẫu báo cáo theo quy định mà đã được in ra từ phần mềm giảm công sức tổng hợp các số liệu báo cáo thủ công. Bs. Phan Thị Chung - Trạm Trưởng trạm Y tế thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang chia sẻ: “Qua sử dụng phần mềm đã mang lại nhiều tiện ích trong công tác khám chữa bệnh và theo dõi tình hình tiền sử bệnh của từng cá nhân, hộ gia đình, các đối tượng và đợt tiêm chủng, các chương trình về Sức khỏe Sinh sản, Dược... được thuận lợi, kịp thời, chính xác, tiết kiệm được thời gian cho người bệnh; số liệu tại cơ sở được cập nhật hằng ngày đảm bảo tính hệ thống và khoa học”.

Việc ứng dụng phần mềm vào công tác quản lý khám chữa bệnh tại cơ sở giúp làm thay đổi nhận thức ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác KCB, đồng thời góp phần cải cách thủ tục hành chính, giúp các cơ sở y tế có dữ liệu theo dõi quá trình khám bệnh và tiền sử người bệnh một cách hệ thống, các thông tin về người bệnh một cách chính xác, giúp cho đơn vị quản lý theo dõi và kiểm tra đến từng đơn vị trạm Y tế xã. Bs. Đặng Phúc Diệp – Giám đốc Trung tâm Y tế Bắc Quang cho biết: “Hiện nay, tại các TYT với nguồn nhân lực ít nhưng lượng công việc lại khá nhiều, nếu vẫn thực hiện bằng phương pháp thủ công sẽ khiến cho cán bộ y tế không còn nhiều thời gian thực hiện công tác chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Vì vậy, việc ứng dụng CNTT trong ngành Y tế giúp cho các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chuẩn hóa thông tin dữ liệu y tế, chủ động hơn trong việc thực hiện các công việc liên quan đến thủ tục hành chính, quản lý chỉ đạo một cách hiệu quả”.

 Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại một số khó khăn hạn chế nhất định đó là: Phần mềm chỉ thực hiện được khi có mạng internet, các thiết bị như đường truyền mạng internet, máy tính, máy in ở tuyến cơ sở còn thiếu và đã cũ; cán bộ phụ trách CNTT tại các đơn vị mỏng và yếu; việc cung cấp dữ liệu đầu vào còn chưa có sự thống nhất do các Thông tư, Hướng dẫn cấp trên thường xuyên thay đổi và còn nhiều điểm trái ngược... nhưng chúng ta có thể thấy việc ứng dụng CNTT trong quản lý KCB liên thông là rất cần thiết. Hiện nay, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị triển khai, phối hợp với đơn vị cung cấp phần mềm điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện các module, chỉ đạo các TYT xã tiếp tục cập nhật thông tin y tế trên địa bàn, khai thác ứng dụng các module quản lý chương trình mục tiêu Y tế - dân số, Bộ Tiêu chí Quốc gia Y tế xã, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học cho cán bộ, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng trang thiết bị đảm bảo phục vụ công tác triển khai ứng dụng phần mềm hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành, phục vụ việc KCB và phòng chống dịch bệnh cho người dân tại tuyến cơ sở; đây cũng là những dữ liệu quan trọng để có thể triển khai chương trình Quản lý sức khỏe toàn dân của Bộ Y tế khi được triển khai.

 

Lan Anh  Trung tâm TT-GDSK