Hà Giang triển khai Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024 (từ ngày 01/6/2024-30/6/2024)



Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn

Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024 diễn ra từ ngày 1/6 đến ngày 30/6/2024 với chủ đề: “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030".

Tại Hà ngày 21.5, Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm, Tệ nạn xã hội và Phong trào toàn dân vảo vệ An tinh tổ quốc ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024 với mục đích: Thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030” đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm; giảm kỳ thị phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai, cung cấp thuốc ARV điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho con, chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, đẩy mạnh các can thiệp và tăng cường chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Cùng với đó tập trung tuyên truyền các nội dung gồm: Lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con; lợi ích của điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; theo dõi tải lượng HIV đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV để sinh ra những đứa con khỏe mạnh; lợi ích của điều trị dự phòng ARV cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV hoặc mẹ có xét nghiệm HIV có phản ứng khi chuyển dạ, khi sinh; lợi ích của việc thực hiện chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; lợi ích của điều trị ARV sớm cho trẻ được chẩn đoán nhiễm HIV do lây truyền HIV từ mẹ sang con; lợi ích của việc quản lý thai, khám thai sớm trong ba tháng đầu để được tư vấn và xét nghiệm HIV sớm; điều trị bằng thuốc ARV sớm ngay trong những tháng đầu của thai kỳ ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong việc giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con; các can thiệp cần thiết cho phụ nữ khi mang thai, khi sinh và bà mẹ, trẻ sau sinh từ mẹ nhiễm HIV…

Việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ làm giảm số trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ. Vi rút HIV lây truyền từ người sang người qua 03 con đường chính: Đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Ngoài việc lây truyền qua đường máu và đường tình dục thì việc người mẹ nhiễm HIV truyền sang con trong quá trình mang thai, sinh nở và cho con bú cũng đang chiếm tỷ lệ ngày một cao. Thực tế cho thấy, cứ 100 trẻ em sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV không được điều trị dự phòng thì sẽ có khoảng 25-40 trẻ sẽ bị nhiễm HIV. Lây truyền HIV từ mẹ sang con xảy ra ở 3 thời kỳ: 10% ở thời kỳ mang thai do mẹ lây sang con qua rau thai, 10 - 15% trong thời kỳ chuyển dạ do tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của người mẹ chứa HIV và 10% trong thời kỳ cho con bú do sữa mẹ có chứa HIV, núm vú tổn thương có thể chảy máu. Nhưng nếu 100 bà mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng thì chỉ có 3-10 trẻ bị nhiễm HIV tuỳ theo thời điểm bắt đầu dùng thuốc. Vì vậy, việc đánh giá tình trạng lâm sàng, miễn dịch cho người mẹ cũng như theo dõi thai nghén định kỳ và chỉ định điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con phù hợp theo đúng hướng dẫn sẽ làm giảm thấp nhất nguy cơ lây truyền HIV cho trẻ.

          Tại Hà Giang, trong năm 2023 phụ nữ mang thai (PNMT) nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là 03 trường hợp, từ đầu năm đến nay có 01 PNMT nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Đối với phụ nữ mang thai đã bị nhiễm HIV cần lưu ý

- Đến cơ sở Y tế để được tư vấn và xét nghiệm theo chỉ dẫn của cán bộ chuyên môn và biết tình hình bệnh đang giai đoạn nào để quyết định sinh con hay không.

- Nếu thai nhi chưa nhiễm HIV thì cần có kiến thức để chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng và tiếp nhận phác đồ điều trị dự phòng để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

- Tuân thủ đúng phác đồ điều trị: Vì nếu uống thuốc dự phòng đầy đủ từ tuần thứ 28 kết hợp không cho con bú thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ giảm xuống chỉ còn 2 - 5% hoặc cao nhất là 10%.

          Hiện tại người dân có thể đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật  tỉnh (Cơ sở 3) nằm tại tổ 7 Phường Quang Trung, thành phố Hà Giang để được xét nghiệm, tư vấn về bệnh HIV, phòng chống các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Khi đến khám tại Trung tâm người nhiễm bệnh được tư vấn về quyền lợi và trách nhiệm của việc khám bệnh theo định kỳ; cách phòng tránh lây lan HIV cho gia đình, cộng đồng và xã hội; cách uống thuốc hợp lý và ăn uống điều độ đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng; biện pháp tự chăm sóc bản thân khi có những triệu chứng bệnh… Ngoài ra, có thể đến khoa xét nghiệm của TTYT huyện, các Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh, huyện để được làm các xét nghiệm, mọi thông tin đều được giữ bí mật.

Thu Ngân