Dinh dưỡng hợp lý để phát triển bền vững



Sử dụng đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn để có một chế độ dinh dưỡng hợp lý và phát triển bền vững

Sử dụng đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn để có một chế độ dinh dưỡng hợp lý và phát triển bền vững

        Dinh dưỡng là yếu tố môi trường rất quan trọng đối với sức khỏe, thể lực và trí tuệ của con người, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ, đặc biệt là chiều cao. Một đứa trẻ thiếu dinh dưỡng sẽ phát triển không đúng với tiềm năng của nó. Khi dinh dưỡng không hợp lý sẽ gây ra các tổn thương cho cơ thể. Tổn thương đó, tồn tại lâu hay chóng phụ thuộc theo tuổi, do vậy trẻ càng nhỏ sẽ càng bị ảnh hưởng nặng nề như chiều cao, cân nặng, vòng ngực, hệ thống xương sẽ phát triển chậm đi nhiều, đồng thời sức đề kháng của cơ thể sẽ suy giảm. Một chế độ dinh dưỡng không hợp lý còn là yếu tố nguy cơ quan trọng hàng đầu dẫn đến sự ra gia tăng nhanh chóng phần lớn các bệnh không lây nhiễm như: Tim mạch, thừa cân – béo phì, rối loạn mỡ máu…

         Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể trong các giai đoạn khác nhau của chu kỳ vòng đời, tạo ra sự tăng trưởng và phát triển tối ưu cho thai nhi và trẻ nhỏ, cũng như phòng chống hữu hiệu với đa số bệnh tật để có một thể lực khỏe mạnh, sức khỏe tốt, năng suất lao động cao và chất lượng cuộc sống tốt cho mọi lứa tuổi. Chính vì vậy bữa ăn gia đình có vai trò vô cùng quan trọng và cần được đảm bảo cả về số lượng, chất lượng và vi khoáng chất. Một bữa ăn cân đối cần có đủ 4 nhóm thực phẩm chính là nhóm: Bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...).

          Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng hợp lý cần đảm bảo tính đa dạng của thực phẩm hàng ngày. Mỗi ngày chúng ta cần ăn từ 15-20 loại thực phẩm để đảm bảo cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho nhu cầu hàng ngày của cơ thể.

          Chế độ dinh dưỡng hợp lý cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng ta cần lựa chọn thực phẩm tươi, ngon, không héo úa, mốc, hỏng và còn hạn sử dụng và được kiểm tra, kiểm định chất lượng, ngoài ra cần phải bổ sung nước sạch đầy đủ cho cơ thể. Nhu cầu nước của mỗi người thay đổi tùy theo tuổi, nhiệt độ cơ thể, cân nặng, mức độ vận động, môi trường làm việc, thời tiết...

          Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn nhiều dầu,mỡ, đường như: Gà rán, khoai tay chiên, nước ngọt có ga hoặc không có ga, các loại bánh kẹo, xúc xích, thịt xông khói, giò, chả, bim bim… Các thực phẩm này ẩn chứa nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe nếu tiêu thụ thường xuyên. Hạn chế muối trong các món ăn, phòng tránh thừa muối, làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, biếu cổ, nhồi máu cơ tim, ung thư dạ dày, loãng xương, sỏi thận …

          “Dinh dưỡng hợp lý để phát triển bền vững” cũng là chủ để của chiến dịch hưởng ứng “Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển” năm 2020. Vì vây, để đảm bảo sức khỏe cho cá nhân, gia đình và sự phát triển bền vững của nòi giống dân tộc, chúng ta nên sử dụng hợp lý và đa dạng hóa các loại thực phẩm trong từng món ăn và từng bữa để có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, phòng chống các bệnh, tật do sử dụng dinh dưỡng không hợp lý gây nên; thực hiện nuôi dưỡng trẻ hợp lý trong 1000 ngày đầu đời của trẻ để góp phần mang lại tương lai tốt đẹp nhất cho trẻ, giúp trẻ phát triển tối ưu cả về thể chất, tầm vóc và trí tuệ khi trưởng thành; thực hiện dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường vận động thể lực để nâng cao sức đề kháng, góp phần phòng chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe.

Hồng Mai