ĐIỂM TỰA CHO NGƯỜI BỆNH HIV/AIDS



Bác sĩ Phòng khám đa khoa, chuyên khoa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tư vấn, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS

Bác sĩ Phòng khám đa khoa, chuyên khoa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tư vấn, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đến 31/12/2018 trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 1.626 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 1.094 trường hợp đã chuyển sang AIDS và đã có 456 người tử vong, có 588 bệnh nhân đang điều trị thuốc kháng vi rút ARV.

Tại Phòng khám đa khoa, chuyên khoa của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hiện có 142 bệnh nhân điều trị HIV/AIDS. Đều đặn hàng tháng các bệnh nhân đến khám, xét nghiệm và điều trị bằng thuốc ARV, nhờ đó sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh đều được cải thiện. Có những bệnh nhân đã điều trị được hơn mười năm, hiện tại họ mạnh khỏe và có cuộc sống như những người bình thường khác.

Trong những năm qua người bệnh HIV/AIDS đã luôn nhận sự quan tâm, chăm sóc của cán bộ y tế, chính điều này đã giúp họ bớt đi mặc cảm lo lắng, cân bằng tâm lý, hợp tác và tuân thủ điều trị tốt hơn. Thực tế nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy, không ít bệnh nhân HIV/AIDS đều gặp phải sự kỳ thị phân biệt đối xử, ngay cả tại cơ sở y tế. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử gây ra nhiều tác hại: Người nhiễm giấu tình trạng bệnh, mặc cảm không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác điều trị. Do đó họ khó tiếp nhận thông tin, kỹ năng phòng bệnh và có thể vô tình truyền HIV cho người khác, làm cho mức độ lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng trầm trọng.

Nguyên nhân dẫn đến sự kỳ thị đối với HIV/AIDS còn do thiếu hiểu biết về các đường lây truyền, hơn nữa không ít người còn cho rằng HIV/AIDS gắn liền với tệ nạn xã hội. Tuy nhiên không phải như vậy, nhiều người nhiễm HIV là nạn nhân hoặc do công việc mà họ bị nhiễm bệnh, đó là những trường hợp người phụ nữ bị chồng mắc bệnh truyền sang, rồi đứa trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ, những chiến sĩ công an, những cán bộ y tế bị phơi nhiễm nghề nghiệp... Do vậy việc giúp đỡ, đưa họ vào sinh hoạt cộng đồng trước hết để họ tránh cái nhìn cực đoan về cuộc sống và quan trọng hơn là giúp họ đẩy lùi bệnh tật và tuyệt vọng. Từ đó họ sẽ là tuyên truyền viên đắc lực về phòng chống HIV/AIDS với mọi người để sống có ý nghĩa, tự tin và vui vẻ hơn.

Chị Nguyễn Thị Ch. một bệnh nhân đã nhiều năm điều trị tại Phòng khám đa khoa, chuyên khoa của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chia sẻ: “Gia đình chị có 4 người thì có tới 3 người phát hiện bị nhiễm HIV gồm chồng, con trai và chính bản thân chị. Do phát hiện nhiễm HIV muộn, không tiếp cận điều trị kịp thời nên chồng và con trai chị đều mất vì AIDS, lúc đó chị cảm thấy suy sụp trước những mất mát quá lớn trong cuộc đời, lo sợ bệnh tật và sự kỳ thị của cộng đồng. Nhưng khi tới cơ sở y tế để điều trị, chị luôn nhận được sự quan tâm chia sẻ, động viên của các y bác sĩ, họ đã tiếp thêm cho chị nghị lực để vượt qua nỗi đau. Giờ đây sức khỏe ổn định, thấy cuộc sống của mình đã cân bằng, bình yên trở lại”.

Những năm qua ngành Y tế Hà Giang đã luôn đẩy mạnh các hoạt động giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Ngoài tăng cường các hoạt động truyền thông, chú trọng việc giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ y tế về không kỳ thị phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV/AIDS, tạo mọi điều kiện để người nhiễm tiếp cận điều trị. Thực hiện Chỉ thị 10/2017/CT-BYT của Bộ Y tế về tăng cường hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch; tổ chức tập huấn, giáo dục về y đức cho đội ngũ y bác sĩ làm việc tại các cơ sở điều trị, cơ sở cung cấp dịch vụ cho người nhiễm để phục vụ cho người bệnh tốt hơn.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, người đã có nhiều năm thực hiện công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS cho biết “Việc quan trọng khi điều trị HIV/AIDS chúng tôi phải tư vấn cho bệnh nhân rất kỹ về thuốc, về tuân thủ điều trị. Đặc biệt cần thấu hiểu hoàn cảnh của mỗi người để tư vấn động viên, chia sẻ với họ. Điều này sẽ giúp người bệnh ổn định tâm lý, lạc quan vượt qua mặc cảm, khó khăn của cuộc sống, từ đó họ mới hợp tác và tuân thủ điều trị”.

Ngoài chuyên môn, thì tấm lòng, sự cảm thông chia sẻ với những số phận cuộc đời không may mắn của y bác sĩ các cơ sở điều trị đã trở thành điểm tựa giúp người bệnh HIV/AIDS bớt đi khổ đau và bất hạnh, vượt qua khó khăn, mặc cảm, thắp lên trong họ niềm tin vào cuộc sống./.

Liên Hương