Dấu hiệu và cách xử trí say nắng, say nóng



Cỏ cây bị nắng nóng đốt cháy héo khô (St)

Cỏ cây bị nắng nóng đốt cháy héo khô (St)

          Trong những ngày gần đây, thời tiết liên tục đạt ngưỡng 380C - 390C khiến không ít người gặp phải một số vấn đề về sức khỏe như say nắng, say nóng. Nguyên nhân thường gặp là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ đột ngột. Chính vì vậy, biết được biểu hiện và cách xử trí khi bị say nắng, say nóng sẽ giúp cho người bệnh hạn chế tối đa những ảnh hưởng đối với sức khỏe.

          Dấu hiệu nhận biết:

         Các biểu hiện của say nắng, say nóng có thể tùy theo mức độ tăng thân nhiệt và thời gian và thường có các biểu hiện như:

         Ở mức độ nhẹ: người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, khát nước, hoa mắt chóng mặt, tăng nhịp tim, thở nhanh, hồi hộp đánh chống ngực, chuột rút.

          Ở mức độ nặng: người bệnh đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch và có thể tử vong.

          Cách xử trí:

         Khi gặp người bệnh có các biểu hiện về sức khỏe do say nắng, say nóng, tùy theo mức độ mà có thể áp dụng những cách xử trí sau

         - Ở mức độ nhẹ: chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió.

        + Nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài của nạn nhân, sau đó, lau mát cơ thể nạn nhân bằng khăn mát hoặc có thể dội nước mát vào cơ thể nạn nhân rồi lau khô. Đặt khăn thấm nước mát hoặc nước đá tại các vị trí như vùng nách, vùng bẹn, hai bên cổ, trán và hai bên thái dương để giúp nhanh chóng hạ nhiệt độ cơ thể.

        + Nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nước mát nhỏ. Tốt nhất là nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng.

         + Nếu nạn nhân bị chuột rút cần xoa bóp nhẹ nhàng tại vùng cơ bị chuột rút.

         + Lưu ý không để cho mọi người vây quanh nạn nhân. Sau khoảng 10-15 phút các biểu hiện sẽ giảm dần.

         - Ở mức độ nặng: nếu nạn nhân có các biểu hiện ở mức độ nặng cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát  cho nạn nhân.

         Để tránh say nắng, say nóng ta cần:

         - Hạn chế đi ra ngoài những ngày trời nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

       - Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài.

        - Tăng cường ăn các loại  rau xanh và hoa quả, nên có  món canh trong bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt cần uống tối thiểu 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần.

        - Tập thể dục để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân.

Thùy Dung (Tổng hợp)