ĐẢNG BỘ SỞ Y TẾ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN ĐỔI MỚI, SẮP XẾP BỘ MÁY HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH THEO HƯỚNG TINH GỌN, HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ



Đảng bộ Sở Y tế trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh hiện có 12 Chi bộ trực thuộc với tổng số 226 đảng viên. Những năm qua, Đảng bộ luôn thực hiện tốt việc lãnh chỉ đạo mọi hoạt động trong lĩnh vực y tế đảm bảo triển khai có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đặc biệt trong nửa nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ chú trọng tới việc lãnh chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy trong toàn ngành theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Đ/c Lương Viết Thuần - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế tặng Giấy khen của Đảng ủy cho các đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2017

Đ/c Lương Viết Thuần - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế tặng Giấy khen của Đảng ủy cho các đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2017

Xác định xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên là khâu then chốt, đột phá đối với sự phát triển của ngành, trong đó phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển nhanh, bền vững đồng thời xây dựng đội ngũ công chức viên chức (CCVC) có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân, do đó trong thời gian qua Đảng bộ Sở Y tế đã chủ động tham mưu cho tỉnh các chương trình, kế hoạch có liên quan đến lĩnh vực y tế, đặc biệt là đột phá trong thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản và nâng cao chất đượng đội ngũ cán bộ trên cơ sở đúng quan điểm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và chủ trương của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Cụ thể: Đã hoàn thành việc kiện toàn các phòng chuyên môn thuộc Chi cục An toàn thực phẩm từ 4 phòng xuống còn 3 phòng, tinh giản 1 phòng; thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị (gồm Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe, Trung tâm Phòng, chống Sốt rét - Ký sinh trùng&Côn trùng, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS) tinh gọn xuống còn 1 đơn vị, trong đó tinh gọn từ 10 phòng, 23 khoa xuống còn 3 phòng, 12 khoa (giảm được 7 phòng, 11 khoa, tinh giản được 11 biên chế). Hiện ngành đã tham mưu xây dựng Đề án sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGĐ và Trung tâm Y tế huyện/thành phố trực thuộc Sở Y tế quản lý; Trung tâm Y tế huyện/thành phố quản lý Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Đồng thời xây dựng Đề án rà soát, sắp xếp tổ chức lại và tinh gọn từ 19 xuống còn 10 Phòng khám Đa khoa khu vực (PKĐKKV), trong đó 9 PKĐKKV tổ chức lại thành Trạm Y tế xã; giải thể Trạm Y tế xã Xuân Giang chuyển chức năng, nhiệm vụ và cơ sở hạ tầng cho PKĐKKV Xuân Giang vì nơi đã có PKĐKKV trên địa bàn cấp xã thì không thành lập Trạm Y tế xã (theo quan điểm Nghị quyết số 19-NQ/TW).

Bên cạnh công tác tổ chức bộ máy, việc quản lý, sử dụng biên chế công chức, số lượng người làm việc đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc cũng được Đảng bộ chú trọng. Công tác quản lý, sử dụng biên chế CCVC, số lượng người làm việc được thực hiện theo đúng quy định của nhà nước và phân cấp quản lý của UBND tỉnh. Ngành đã giải quyết tốt chính sách tuyển dụng, phân công công tác đối với bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật viên y tế theo diện đào tạo địa chỉ, cử tuyển của tỉnh; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với vị trí việc làm, gắn với quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý nhằm chuẩn hóa và nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ quản lý, chính trị cho đội ngũ CCVC; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, coi cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành và quản lý chuyên môn, nghiệp vụ được thực hiện có hiệu quả. Hiện nay phần mềm quản lý văn bản đi, đến được liên thông đến Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Các phần mềm về quản lý nhân sự của ngành; quản lý khám, chữa bệnh; quản lý y tế xã, phường liên thông được thực hiện tốt. Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông của tổ chức, công dân tại Trung tâm hành chính công của tỉnh ngày càng tốt hơn, các thủ tục thuộc lĩnh vực của ngành được giải quyết nhanh chóng. Hiện có 134/148 thủ tục hành chính của ngành được giải quyết tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh.

Một trong những kết quả nổi bật trong thời gian qua của ngành phải kể đến đó là việc nâng cao chất lượng CCVC. Hiện tại ngành đang quản lý 4.133 CCVC (63 công chức, 4.070 viên chức) trong đó có 907 bác sĩ; 74 dược sĩ. Số bác sĩ có trình độ sau đại học là 270 người (Tiến sĩ: 2, Chuyên khoa II: 30, Chuyên khoa I: 224; Thạc sĩ: 15); Dược sĩ có trình độ sau đại học 11 người; có 1.952 nhân viên y tế hoạt động ở 2.067 thôn bản đạt tỷ lệ 94,44%. Chất lượng đội ngũ CCVC trong toàn ngành đã có những chuyển biến rõ rệt cả về trình độ chuyên môn và trình độ chính trị, quản lý nhà nước. Các chỉ tiêu tính từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2018 đều tăng như: Số CCVC có trình độ đại học trở lên tăng từ 25% lên 36%; trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên từ 6,2% tăng lên 13%; CCVC có trình độ Quản lý nhà nước chương trình chuyên viên tăng từ 9,5% lên 19,3%; số lượng đảng viên tăng từ 41% lên 51,6%. Chất lượng đội ngũ CCVC giữ chức vụ thuộc diện Ban Thường vụ, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh được nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, quản lý: Trình độ chuyên môn sau đại học: 107/114, chiếm 94%, đại học chiếm 6%: Chính trị Cao cấp, cử nhân: 79/114, chiếm 69%; trung cấp: 35% chiếm 31%; Quản lý Nhà nước chuyên viên, chuyên viên chính 100%.  Kết quả đánh giá thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh khóa XVI và Nghị quyết HĐND tỉnh, ngành Y tế đã hoàn thành vượt mức 3/6 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu giao bình quân bác sĩ/10.000 dân đến năm 2020 là 10,5 bác sĩ/10.000 dân, thì đến năm 2017 đã đạt 10,9 bác sĩ/10.000 dân...

Phát huy những thành quả đạt được, trong thời gian tới Đảng bộ Sở Y tế sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ và luân chuyển cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn, phù hợp với quy hoạch của ngành. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, xác định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ cũng như trong việc quy hoạch và luân chuyển cán bộ. Thực hiện tốt việc quản lý và nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo vị trí việc làm, gắn với quy hoạch, tiêu chuẩn chức danh cán bộ; chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo quản lý, coi đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện nâng cao chất lượng cán bộ; chuẩn hóa trình độ đội ngũ CCVC, phát triển đội ngũ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi trong giai đoạn mới...

 

Ngọc Ánh  - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật