Công tác Dân số- Kế hoạch hóa gia đình ở huyện Mèo Vạc còn nhiều khó khăn



Xác định nâng cao chất lượng công tác Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là một nhiệm vụ chiến lược, quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, trong những năm qua, chính quyền các cấp huyện Mèo Vạc đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện có hiệu quả, từng bước nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho mỗi người dân

Người dân tổ 2, thôn Sủng Máng, xã Sủng Máng tìm hiểu công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

Người dân tổ 2, thôn Sủng Máng, xã Sủng Máng tìm hiểu công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dương Minh Sơn, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Mèo Vạc cho biết: "Mèo Vạc là huyện vùng cao, dân cư sống không tập trung, nhận thức của một bộ phận nhân dân về chính sách DS- KHHGĐ còn hạn chế, chưa hiểu hết tầm quan trọng của công tác DS- KHHGĐ. Để nâng cao chất lượng dân số và đời sống người dân trên địa bàn, những năm qua, các cấp ủy Đảng và chính quyền từ huyện xuống cơ sở luôn chú trọng đến công tác Dân số-KHHGĐ và coi đó là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của địa phương”. Theo đó, với vai trò là cơ quan tham mưu trực tiếp cho UBND huyện, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ từ huyện tới 18 xã, thị trấn trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động gia đình và các tầng lớp nhân dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn như: Phát tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, thông tin trên đài truyền thanh huyện… tuyên truyền về hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh; sự cần thiết của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) phát hiện sớm tật, bệnh ở thai nhi, nhằm tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh; các cặp vợ chồng sinh con một bề, đã sinh đủ số con thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại... Trong đó, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác dân số, CSSKSS; nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể với nhân dân. Cùng với đó, đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức giáo dục kiến thức về dân số, SKSS, bình đẳng giới trong các trường học, kết hợp giáo dục chính khóa với tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, thu hút sự tham gia của vị thành niên và thanh niên; tạo sự gắn kết giữa gia đình, nhà trường và đoàn thể xã hội. Đặc biệt, tổ chức các buổi tọa đàm nâng cao nhận thức của chị em trong độ tuổi sinh đẻ; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để mỗi gia đình, mỗi người dân tự nguyện thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Các trung tâm, cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường đội ngũ cán bộ; bổ sung, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, dụng cụ y tế, phương tiện vận chuyển cho các điểm cung cấp dịch vụ dân số và CSSKSS.

Thông qua các hình thức tuyên truyền, công tác dân số, CSSKSS, KHHGĐ từng bước đi vào đời sống người dân trên địa bàn  9 tháng đầu năm 2017, toàn huyện có 3.291 người áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Tổng số trẻ em sinh là 1.082 trẻ, giảm 5 trẻ so với cùng kỳ năm 2016. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập và duy trì sinh hoạt định kỳ 20 CLB “ Phòng ngừa tảo hôn và kết hôn cận huyết thống”. Tham gia CLB, các thành viên được cung cấp kiến thức về các biện pháp KHHGĐ, kỹ năng nuôi con khỏe, dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế. Dịch vụ CSSKSS cho mọi đối tượng ngày càng được quan tâm đầu tư và nâng cao chất lượng.

Mặc dù đã đạt được những tín hiệu tích cực, song công tác DS-KHHGĐ của huyện vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là, nhận thức của một bộ phận nhân dân về chính sách Dân số-KHHGĐ ở một số xã, thị trấn còn hạn chế, nhiều gia đình còn tồn tại quan điểm, tư tưởng “con trai nối dõi tông đường” và “trọng nam kinh nữ”, “đông con cho vui cửa, vui nhà”… nên tỷ lệ sinh của huyện còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh, đặc biệt tỷ lệ sinh con thứ 3 ở một số xã đang có chiều hướng tăng và sự chênh lệch giới tính khi sinh đang ngày càng tăng cao. Trong khi đó, đội ngũ chuyên trách làm công tác Dân số- KHHGĐ từ huyện tới các cơ sở còn thiếu, mới và trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo và báo cáo, thống kê... Đồng thời, cơ sở hạ tầng phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân tại một số xã còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng nhu cầu.

Để nâng cao chất lượng công tác, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Mèo Vạc sẽ tiếp tục triển khai chiến dịch tăng cường vận động lồng ghép dịch vụ SKSS-KHHGĐ; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập trung vào các đối tượng sinh con một bề và tuyên truyền để làm giảm thiểu sự mất cân bằng giới tính khi sinh, tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tổ chức, phối hợp với Chi cục dân số-KHHGĐ tỉnh triển khai Đề án tư vấn tiền hôn nhân cho các đối tượng trong độ tuổi sinh sản; duy trì và mở rộng các CLB không có người sinh con thứ 3; tư vấn, trang bị kiến thức giới tính, sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân cho trẻ em gái trong độ tuổi vị thành niên, mang thai đúng tuổi và điều kiện sức khỏe của bản thân, tạo điều kiện để các em bước vào giai đoạn trưởng thành an toàn và khỏe mạnh...

 

Minh Đức-TH MÈO VAC