Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường



Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường (St)

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường (St)

     Đái tháo đường hay gọi là tiểu đường, là một bệnh rối loạn chuyển hoá mạn tính, đặc trưng bởi sự tăng đường máu, do thiếu hụt insulin tương đối hay tuyệt đối gây ra.

     Đái tháo đường gây nên một loạt các rối loạn chuyển hoá trước hết là rối loạn chuyển hoá glucid làm glucose máu tăng cao và xuất hiện glucose trong nước tiểu. Rối loạn chuyển hoá đường kéo theo rối loạn chuyển hoá lipid, protid và các chất điện giải. Những rối loạn này gây ra nhiều  biến chứng nặng nề cho người bệnh điển hình là bệnh mạch vànhtai biến mạch máu nãomù mắt... hoặc có thể dẫn tới hôn mê và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

     Tuy nhiên, một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp người bệnh có thể điều chỉnh tốt lượng đường huyết, duy trì cân nặng, đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khỏe để hoạt động, hạn chế những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

     Chế độ ăn đa dạng:

     Người bệnh tiểu đường, bữa ăn phải có đầy đủ các chất: chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ và chất khoáng để đảm bảo sức khỏe của người bệnh. Nhìn chung, người bệnh nên chọn và ăn nhiều thực phẩm ít làm tăng đường huyết, nhiều chất xơ như: rau xanh, hoa quả ít ngọt như: táo, bưởi, ổi... bổ sung thêm thịt, cá, sữa, với lượng vừa phải. Lượng thức ăn phải tùy theo cân nặng và mức độ hoạt động thể lực của người bệnh. Một bữa ăn hỗn hợp gồm chất bột đường và nhiều chất xơ có tác dụng làm hạn chế tăng đường huyết sau ăn.

     - Khi ăn nên ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá no.

     - Nên duy trì ổn định 3 bữa ăn chính trong ngày và bổ sung đầy đủ các vitamin và muối khoáng.

     Đối với những người quá cân, béo phì nên giảm ăn và tăng cường tập thể dục để giảm cân. Tuy nhiên, nên giảm cân từ từ, không nên giảm cân quá nhanh, đột ngột. Đối với người gầy thì nên ăn thêm 1-2 bữa phụ để tăng cân, lượng thức ăn cũng vừa phải, có thể tăng cường thêm chất đạm hoặc chất béo.

     Một số loại thức ăn mà người bệnh đái tháo đường nên tránh:

     - Hạn chế những thực phẩm làm tăng đường huyết như: bánh kẹo ngọt, nước giải khát có đường, bánh mì, nhãn, vải, mít...

     - Các loại protein có hại như các loại thịt đóng hộp, các loại thức ăn chế biến sẵn giàu đạm, muối và đường. Tương tự với các loại trái cây đóng hộp cũng là thức ăn mà người bệnh tiểu đường nên tuyệt đối tránh.

     - Các loại thức ăn nhanh, gà rán, khoai tây chiên hay thịt xông khói cũng khiến đường huyết của người bệnh không ổn định trong mức an toàn.

     - Hạn chế ăn mỡ động vật, nội tạng động vật, các sản phẩm chế biến từ động vật (giò, chả, đồ ăn nhanh) vì những chất béo này làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch không tốt cho sức khỏe. Người bệnh nên thay thế mỡ động vật bằng dầu thực vật, ăn nhiều cá vì đây là nguồn cung cấp các chất béo tốt cho cơ thể.

     - Hạn chế uống rượu, bia và giảm lượng muối tiêu thụ hàng ngày.

     Một chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp người bệnh duy trì sức khoẻ, tránh bị thiếu hụt dinh dưỡng do ăn uống quá kiêng khem. Trên thực tế có một số bệnh nhân khi bị bệnh đái tháo đường rất sợ ăn, kiêng khem nhiều và không dám ăn nhiều loại thực phẩm, lâu dài sẽ làm cho cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ.

     Hiểu rõ tầm quan trọng của dinh dưỡng trong điều trị bệnh đái tháo đường và cách chọn lựa thực phẩm phù hợp giúp người bệnh kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường và giảm được nguy cơ các biến chứng nguy hiểm.

Hồng Mai (Tổng hợp)