Bệnh béo phì, thừa cân ngày càng có xu hướng gia tăng khi mà lượng calo cung cấp vào cơ thể lớn hơn rất nhiều lượng calo mà chúng ta tiêu thụ. Bệnh béo phì có liên quan đến nhiều nguy cơ bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe. Để điều trị bệnh béo phì, người bệnh cần có một chế độ ăn uống và vận động khoa học, cần phải kiên trì. Dưới đây là một số lưu ý trong chế độ ăn uống với người bệnh béo phì
Thường xuyên thay đổi các món ăn để ăn kiêng được lâu dài (Nguồn Internet)
Nguyên tắc chung về chế độ ăn cho người béo phì là ăn giảm năng lượng, giảm chất ngọt, chất béo, nhưng vẫn phải đủ chất đạm, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Vì nếu thiếu chất đạm, vitamin và khoáng chất sẽ bị teo cơ, cơ thể mệt mỏi, thiếu máu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng lao động. Tuyệt đối không nên áp dụng các chế độ ăn phản khoa học như nhịn đói kéo dài, uống giấm, thanh lọc cơ thể chỉ bằng nước chanh không đường kéo dài nhiều ngày.
Đối với người béo phì nên lựa chọn thực phẩm giàu protein như: Thịt ít mỡ, tôm, cua, cá, giò nạc, sữa đậu nành, trứng, sữa chua làm từ sữa gầy, đậu đỗ.
Sử dụng glucid có nhiều chất xơ như: Bánh mì đen, ngũ cốc nguyên hạt, khoai củ; Cung cấp đủ vitamin và muối khoáng, những người đang áp dụng chế độ ăn kiêng thường có khẩu phần ăn dưới 1.200 Kcal, chế độ ăn như vậy rất dễ bị thiếu hụt vitamin và khoáng chất cần thiết như: Canxi, sắt, vitamin E….Vì vậy, nếu áp dụng các chế độ ăn kiêng cần bổ sung thêm vitamin và khoáng chất hàng ngày. Buổi tối không ăn sau 20h. Uống đủ từ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày.
Ăn rau xanh và quả chín 500g/ngày, nên chế biến ở dạng luộc, nấu canh, làm nộm, rau trộn salad. Tăng cường ăn rau, củ, trái cây ít ngọt như củ sắn, táo, dưa hấu, mận, ổi, thanh long... Nên ăn ít tinh bột. Hạn chế ăn muối, chỉ ăn dưới 6g/ngày, nếu có tăng huyết áp thì chỉ 2-4g/ngày.
Người bệnh béo phì không nên ăn những thực phẩm nhiều chất béo: Thịt mỡ, nước dùng thịt, bơ, thịt chân giò…; Thực phẩm nhiều cholesterol: Tim, gan, thận, lòng lợn…;
Kiêng những món ăn đưa thêm chất béo như: Bánh mỳ bơ, bơ trộn rau, các món xào, rán; Không nên ăn hoặc hạn chế những thức ăn giàu năng lượng như: Đường mật, mứt, kẹo, bánh ngọt, socôla, nước ngọt…;
Bỏ hẳn những đồ uống có chất kích thích: Rượu, bia, cà phê…
Một số lời khuyên trong việc chọn lựa chế độ ăn cho người bị béo phì:
Với những người béo phì nhất là những người có các bệnh rối loạn kèm theo như: Đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, tăng lipid máu, có cơn ngừng thở khi ngủ nên áp dụng chế độ ăn rất thấp năng lượng (800 Kcal/ngày), chú ý vẫn cần đảm bảo giàu protein có giá trị sinh học cao và bổ sung đủ các vitamin, khoáng chất, điện giải và các axit béo cần thiết. Việc thực hiện chế độ ăn rất thấp năng lượng chỉ nên kéo dài 12-16 tuần và dạng ăn này thay thế hoàn toàn các bữa ăn với thức ăn thông thường.
Ngoài việc áp dụng chế độ ăn khoa học và hợp lý, nên duy trì việc luyện tập thể thao ít nhất 30phút/ngày. Các môn thể thao có thể áp dụng như: Đi bộ, bơi, thể dục nhịp điệu, đạp xe đạp… Với 1kg chất béo của cơ thể cung cấp đủ năng lượng cho đi bộ hoặc đi bộ nhanh 100km. Nếu một ngày đi bộ được 2,5km (tức là mất 20 - 30ph đi bộ) và thực hiện đều đặn như vậy trong 5 ngày/tuần thì sẽ giảm được khoảng 6,5kg chất béo trong vòng một năm với điều kiện không ăn thừa năng lượng. Vì vậy, đi bộ là một giải pháp rất tuyệt vời cho người bị béo phì.
Cần đảm bảo ngủ đủ từ 7 - 8 giờ mỗi ngày. Nên ngủ sớm, hạn chế thức khuya. Ngoài ra, cần theo dõi cân nặng hàng tuần và khám sức khỏe định kỳ mỗi 3 - 6 tháng.
Thu Ngân (Soạn)