CẦN THẬN TRỌNG KHI BỊ ONG ĐỐT



Nhiều người thường chủ quan cho rằng ong đốt sẽ không bị ảnh hưởng và không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên nếu bị đốt nhiều, bị đốt ở các vị trí như đầu, mặt, cổ... hoặc nếu cơ địa bị dị ứng, đề kháng kém thì nhiều nguy cơ có thể xảy ra, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng

Cần lấy vòi chích của ong khi bị ong đốt. (Ảnh nguồn Internet)

Cần lấy vòi chích của ong khi bị ong đốt. (Ảnh nguồn Internet)

Nước ta có nhiều loại ong, các loại ong thường gây nhiễm độc là ong vò vẽ, ong bắp cày và một số ong chưa rõ loài ở các vùng rừng núi. Do vậy chúng ta tuyệt đối không được xem thường khi bị ong đốt vì người bị đốt khó phân biệt là mình bị loài ong nào đốt.

Sau khi ong đốt nạn nhân rất đau buốt; vùng bị đốt sưng nề, tấy đỏ, phù cứng, vết đốt bầm đỏ sau chuyển màu đen, vùng da và mô mềm chung quanh phù nề nhanh chóng, nhất là khi bị đốt ở khu vực đầu, mặt, cổ. Các triệu chứng tiến triển nhanh và cũng giảm dần hoặc mất đi hoàn toàn trong vòng 24 - 48 giờ. Nguy hiểm nhất là sau khi bị ong đốt, bệnh nhân thấy mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, khó thở, tức ngực, mạch nhanh, huyết áp tụt, vật vã kích thích, nôn mửa, tiêu chảy, rối loạn ý thức, hôn mê và có thể tử vong. Ngoài các triệu chứng trên, nọc ong còn gây tổn thương tế bào tại các cơ quan trong cơ thể như gây tiêu cơ, hoại tử cơ vân cấp. Các tổn thương này xuất hiện muộn sau 2 - 3 ngày: bệnh nhân thấy mệt mỏi, nôn, ăn uống kém, loạn nhịp tim, vàng mắt, vàng da, tiểu ít hoặc vô niệu, xét nghiệm thấy có suy thận và tổn thương gan cấp.

Cần phải làm gì khi bị ong đốt?

Khi bị ong tấn công, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh và nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong. Tuyệt đối không dùng nhánh cây, quần áo để xua vì càng xua, ong sẽ càng tấn công.

Trước khi đến cơ sở y tế, người bị ong đốt tự làm hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác, nhanh chóng sơ cứu ban đầu bằng một trong những cách sau: Lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra; Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Có thể bôi kem thuốc có hydrocortisol, thuốc giảm đau có benzocaine để giảm đau, chống viêm tại chỗ; Uống nhiều nước để loại thải các độc tố; Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.

Sau khi xử trí như trên, người bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi và cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu nặng để được cấp cứu kịp thời.

Phòng tránh ong đốt như thế nào?

Tuyệt đối tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết; Không chọc phá tổ ong; Thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà vì ong thường làm tổ ở nơi lộ thiên, trên những cành cây hay bụi cây hoặc quanh nhà; Khi đi vào rừng, đi dã ngoại, không nên mặc quần áo màu sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm... có mùi thơm và ngọt sẽ thu hút ong; Không nên đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng. Nên đội mũ, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín khi cần có việc ra ngoài đồng, vườn hoặc rừng để tránh côn trùng đốt, nhất là ong; Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động; Khi phải tiếp xúc với ong, nên mang đủ trang bị phòng tránh như quần áo dày, mũ trùm đầu, kính...để đề phòng bị ong đốt.

 

Ngọc Ánh (Tổng hợp) - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật