Đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát, đặc biệt nguy hiểm với sự xuất hiện của biến thể Delta có tốc độ lây nhiễm nhanh, mạnh hơn. Trước bối cảnh đó, tiêm vắc xin phòng COVID-19 để tạo miễn dịch cộng đồng là giải pháp chủ động, hiệu quả để phòng dịch. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh ta đã và đang đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, góp phần tăng bao phủ miễn dịch cộng đồng nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của COVID-19.
Tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 4 tại TP Hà Giang
Tại lễ phát động Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc vào đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân”. Thủ tướng cũng kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết, ủng hộ và trách nhiệm của toàn thể nhân dân để chiến thắng dịch bệnh… Được “truyền lửa” từ những chỉ đạo tâm huyết đó cùng với sự quan tâm sát sao của UBND tỉnh, ngành Y tế tỉnh đã và đang triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 với nỗ lực rất cao. Đặc biệt, khắc phục mọi khó khăn về điều kiện vật chất, nhân lực y tế để tập trung thực hiện thành công chiến lược phòng, chống dịch chủ động từ vắc xin cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng.
Hà Giang, bên cạnh nguy cơ xâm nhập của mầm bệnh từ bên kia biên giới nhập cảnh vào nội địa thì nguy cơ từ các trường hợp lao động từ các tỉnh đang có dịch trở về địa phương là rất lớn. Và thực tế, Hà Giang cũng đã ghi nhận những trường hợp mắc COVID-19 theo các con đường trên. Cùng với các hoạt động phòng chống dịch đang thực hiện thì cần khẩn trương tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 nhằm tạo miễn dịch cộng đồng để phòng chống dịch. Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021- 2022 hướng tới mục tiêu phấn đấu hết năm 2021 toàn tỉnh có 50% người từ 18 tuổi trở lên và hết quý I năm 2022 có 70% dân số được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đồng thời phải đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19. Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Hà Giang được triển khai tại tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; sử dụng đồng thời tất cả các loại vắc xin do Bộ Y tế cung cấp để tăng độ bao phủ của vắc xin cho người dân và đảm bảo tiêm hết số lượng vắc xin trước khi hết hạn sử dụng tránh để lãng phí trong tiêm vắc xin. Chiến dịch cần huy động hệ thống chính trị tham gia chiến dịch tiêm chủng; huy động tối đa các lực lượng bao gồm các cơ sở trong và ngoài ngành y tế, lực lượng công an, quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, đoàn thể bao gồm Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ... hỗ trợ triển khai tiêm chủng. Và để thống nhất trong chỉ đạo cũng như hành động, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Văn phòng thường trực Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tỉnh để tham mưu và chỉ đạo triển khai hiệu quả các đợt chiến dịch trên địa bàn toàn tỉnh. Trên cơ sở kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cả giai đoạn năm 2021 - 2022 hoặc mỗi đợt tiêm chiến dịch của tỉnh, các huyện thành phố cũng xây dựng và ban hành kế hoạch tiêm chủng chi tiết tại từng địa phương.
Kế hoạch tổ chức tiêm chủng của mỗi địa phương được xây dựng chi tiết từ công tác điều tra và lập danh sách các nhóm đối tượng ưu tiên tiêm chủng; công tác truyền thông, đào tạo tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế tham gia tiêm chủng về quản lý và sử dụng vắc xin COVID-19; về khám sàng lọc trước tiêm chủng và theo dõi, xử trí các phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng; việc bố trí điểm tiêm chủng và các đội xử lý cấp cứu; tổ chức tiêm đảm bảo quy trình tiêm chủng an toàn. Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 dựa trên 4 nền tảng bao gồm: Cổng công khai thông tin tiêm chủng; hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng; hệ thống phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp toàn bộ quy trình tiêm chủng diễn ra chủ động, thuận tiện đồng thời hỗ trợ tích cực để ngành Y tế “mục tiêu kép” vừa triển khai tiêm chủng nhanh, rộng nhất nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả, minh bạch, và công tác quản lý, giám sát.
Đến nay, Hà Giang đã hoàn thành 3 đợt tiêm chủng vắc xin phòng tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và đang triển khai tiêm đợt 4 của chiến dịch. Đối tượng tiêm chủng là toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, tuy nhiên trong những đợt đầu sẽ tập trung ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch như người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch các cấp, lực lượng Quân đội, Công an; người cung cấp dịch vụ thiết yếu,.. Các vắc xin sử dụng trong tiêm chủng chiến dịch tại Hà Giang từ chỉ một loại (Astra Zeneca) trong 3 đợt chiến dịch đầu, trong đợt 4 chiến dịch sẽ sử dụng tới 4 loại vắc xin phòng COVID-19 do Bộ Y tế cấp trên địa bàn tỉnh gồm Astra Zeneca, Vero Cell bất hoạt của Sinopharm - Trung Quốc, Moderna (USA) và Comirnaty của Pfizer- BioNTech. Trong thời gian tới sẽ Hà Giang sẽ tiếp nhận và triển khai thêm một số vắc xin mới theo phân bổ của Bộ Y tế.
Đến hết ngày 05.8.2021 toàn tỉnh đã có 49.980 người được tiêm một mũi vắc xin các loại phòng COVID-19 trong đó 6.963 người được tiêm đủ hai mũi. Mặc dù trong mỗi đợt chiến dịch tỷ lệ người được tiêm đạt từ 90% trở lên song tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 của Hà Giang hiện mới chỉ đạt 8.4% so với tổng số đối tượng cần được tiêm phòng theo kế hoạch. Như vậy, trong những tháng cuối năm 2021 và quý I năm 2022 đòi hỏi một nỗ lực lớn của toàn bộ hệ thống chính trị cho công tác tiêm phòng vắc xin COVID-19 nhằm đạt mục tiêu là ít nhất 70% dân số Hà Giang được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Để thực hiện mục tiêu trên, trong thời gian tới các địa phương sẽ tiếp tục điều tra, rà soát, bổ sung danh sách tiêm phòng vắc xin COVID-19 theo từng cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, tổ dân phố đồng thời bố trí nhận lực, vật tư dụng cụ tiêm chủng để có thể lập kế hoạch và triển khai tiêm chủng ngay khi được tiếp nhận vắc xin do Bộ Y tế cấp.
Kim Dung