CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY NGỘ ĐỘC TỪ THỨC ĂN ĐƯỜNG PHỐ KHÔNG ĐẢM BẢO VỆ SINH



Hiện nay, theo xu thế phát triển và nhu cầu thị trường, dịch vụ thức ăn đường phố ngày càng phát triển dưới nhiều hình thức và đa dạng; tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo vệ sinh từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng.

Thức ăn đường phố (TĂĐP) là thực phẩm được chế biến dùng để ăn, uống ngay, trong thực tế được thực hiện thông qua hình thức bán rong, bày bán trên đường phố, nơi công cộng hoặc những nơi tương tự.

Hiện nay, TĂĐP dưới nhiều hình thức đã và đang phát triển đa dạng, được bày bán nhiều trên vỉa hè, các chợ, các bến tàu, bến xe, trước các cổng trường học… sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng mọi lúc, mọi nơi. Còn khách hàng thì vô tư ăn uống ngay tại các quán vỉa hè mà không quan tâm hoặc chú ý gì đến vệ sinh và môi trường bị ô nhiễm như: Bụi đường, khói do xe các loại qua lại gây ra. Vì vậy, không nên dùng thức ăn đường phố dù có ngon và hấp dẫn mấy, nhất là những thức ăn bày bán dọc các vỉa hè, đường phố, bến xe, chợ,… không đảm bảo vệ sinh.

TĂĐP là loại hình dịch vụ khó kiểm soát nhất về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) do phần lớn những người bán hàng thường xuyên di chuyển địa điểm, nhiều người kinh doanh theo thời vụ và đa phần không có được những kiến thức đầy đủ về ATVSTP.

Để chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, người tiêu dùng không nên mua và ăn thức ăn đường phố ở các địa điểm sau:

Địa điểm bày bán không sạch sẽ, quá chật hẹp, ẩm thấp. Vì những địa điểm này thường chứa nhiều bụi bẩn và là nơi cư trú của nhiều côn trùng, ruồi nhặng, vi sinh vật gây bệnh làm thức ăn đường phố dễ bị nhiễm các tác nhân gây bệnh dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Các quán bán hàng quá gần nơi có rác thải, bùn lầy, cống rãnh ứ đọng. Vì rác thải, nước thải là nguồn chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh làm ô nhiễm môi trường xung quanh và dễ lây nhiễm vào thức ăn đồ uống.

Các hàng quán ở khu vực công cộng như: Bến xe, bến tàu, nhà ga... trên hè đường phố gần nguồn ô nhiễm. Vì đây là những nơi đông người, xe đi lại tấp nập dễ cuốn theo nhiều bụi bẩn. Nếu nơi bày bán thức ăn đường phố ở khu vực công cộng mà gần nguồn ô nhiễm thì bụi, ruồi nhặng, côn trùng và động vật gây hại có trong nguồn ô nhiễm càng dễ bay đậu vào thực phẩm gây ô nhiễm.

Khi lựa chọn TĂĐP người tiêu dùng chú ý những loại thức ăn cần tránh sau:

- Các loại mực khô, bò khô, hoa quả dầm,... bán gần trường học mà không che đậy kín hoặc không được đựng trong các lọ có nắp đậy. Vì trường học là nơi có nhiều xe qua lại, dễ cuốn theo nhiều bụi bẩn. Thực phẩm không được che đậy kín dễ bị ô nhiễm bụi, bẩn, khói xe, vi sinh vật có hại, côn trùng,... gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

- Rau sống, rau thơm ăn kèm với các món bún riêu, phở bày bán ngoài đường. Nhiều người chế biến thức ăn đường phố do không mang đủ nước sạch để rửa rau nên nguy cơ ô nhiễm ký sinh trùng trong rau là rất cao.

- Bánh quẩy, bánh rán, nem rán...trong các chảo dầu mỡ có màu sắc quá đen cũng không nên ăn. Các loại thức ăn này khi rán trong mỡ dầu ở nhiệt độ cao, rán đi rán lại nhiều lần thì màu sắc của dầu mỡ bị biến thành đen sẫm và chứa các chất độc hại, nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng.

Để tránh bị ngộ độc từ TĂĐP người tiêu dùng cần:

- Chọn mua thức ăn đường phố ở nơi có địa chỉ tin cậy. Nơi người kinh doanh thức ăn đường phố thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng như tuân thủ đúng các quy định ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố, bán thức ăn đường phố đảm bảo an toàn.

- Đối với các quán bán rong thức ăn đường phố, nên chọn mua thức ăn đường phố tại quán có dụng cụ, lọ, hộp đảm bảo vệ sinh để chứa đựng, bảo quản thức ăn ngay, đồ uống.

Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn khi sử dụng TĂĐP, phòng chống ngộ độc và bệnh truyền từ TĂĐP thì người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản trong bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, cũng như cách bảo quản thực phẩm. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.

Thu Ngân (Soạn)