Bệnh viện Phục hồi Chức năng kết nối, chia sẻ khó khăn cho người bệnh



Tập Phục hồi chức năng cho người bệnh tại bệnh viện Phục hồi chức năng.

Tập Phục hồi chức năng cho người bệnh tại bệnh viện Phục hồi chức năng.

Hưởng ứng ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/03/2024

 

BỆNH VIỆN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

KẾT NỐI, CHIA SẺ KHÓ KHĂN CHO NGƯỜI BỆNH

 

Trên thế giới, Công tác xã hội xuất hiện, tồn tại như một nghề chính thống tại 90 quốc gia nhằm hỗ trợ và giúp đỡ những người gặp khó khăn, bệnh tật hoặc những người kém may mắn, không có nơi nương tựa… góp phần bảo vệ quyền con người, công bằng và bình đẳng xã hội, thúc đẩy xây dựng một xã hội hài hòa vì hạnh phúc của tất cả mọi người.

Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 hàng năm là ngày Công tác xã hội Việt Nam như một hình thức vinh danh những người tham gia một công việc thầm lặng nhưng vô cùng cần thiết trong xã hội.

Công tác xã hội trong bệnh viện đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe tinh thần - xã hội và mang lại tình yêu thương cho người bệnh. Công tác xã hội trong bệnh viện gồm có 5 vai trò chính, đó là: Vai trò đón tiếp, chỉ dẫn thông tin; vai trò tham vấn tâm lý; vai trò truyền thông; vai trò vận động, tiếp nhận tài trợ; vai trò tổ chức sự kiện.

Image Alt

Bệnh viện Phục hồi chức năng tổ chức Khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân tại xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì

Trong những năm qua, mặc dù điều kiện của Bệnh viện Phục hồi chức năng còn thiếu thốn, nhưng với mục tiêu hướng tới người bệnh và những người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài việc chú trọng và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Bệnh viện đã nỗ lực tìm kiếm, vận động các nguồn tài trợ bằng kinh phí và hiện vật từ tổ chức, cá nhân để tổ chức các hoạt động như: Vận động, tiếp nhận tài trợ từ Tổ chức Chữ Thập Xanh Thụy sỹ để tổ chức khám ngoại tuyến và cung cấp dụng cụ chỉnh hình tại các cụm xã trên địa bàn tỉnh cho hơn 2 ngàn người khuyết tật; vận động tài trợ từ Công ty Cổ phần hỗ trợ công nghiệp phụ trợ Nhật Việt để tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; vận động, tiếp nhận tài trợ từ Nhóm cựu học viên Học viện kỹ thuật Quân sự Việt Nam để làm chân giả cho những nạn nhân bom mìn bị cụt chân tại 2 xã biên giới thuộc Huyện Vị Xuyên; tiếp nhận tài trợ từ các nhà sư ở chùa Quan Âm Hà Giang, đoàn từ thiện Hương Sen Bắc Quang một số hiện vật như xe lăn, nạng, quạt điện cây… để tặng và phục vụ người bệnh.

Bác Phạm Đình T. 75 tuổi ở phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang cho biết: “Tôi là bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện PHCN được 4 năm nay, do mắc bệnh mạn tính của người cao tuổi. Bác đã đi nhiều nơi, nhưng đến đây mới cảm nhận được tình cảm chân thành, thái độ phục vụ tận tình và đặc biệt là cảm phục khả năng tiếp nhận, vượt qua áp lực lớn của đội ngũ thầy thuốc nơi đây”. Bác cũng mong muốn Công tác xã hội có sức lan tỏa lớn hơn ở cộng đồng cũng như có sự vào cuộc của các cấp, các ngành có liên quan để mang lại giá trị lớn lao hơn. Bà Phạm Thị H. 59 tuổi, ở thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên thì nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi bị tổn thương cột sống cổ, điều trị ở Bệnh viện tuyến trên xin về vì hết hi vọng, tưởng chừng sẽ nằm liệt vĩnh viễn. Nhưng đến đây, nhìn sự hồi phục của các bệnh nhân khác, tôi đã lấy lại niềm tin, cùng các y, bác sỹ kiên cường luyện tập. Đến nay không những tôi đã đi lại được và tự phục vụ được bản thân mà có thể ca hát để động viên những người xung quanh”.

Nhân ngày Công tác xã hội Việt Nam, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hà Giang xin trân trọng cảm ơn tới những tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân đã quan tâm, giúp đỡ bệnh viện thực hiện các hoạt động ý nghĩa, thiết thực cho cộng đồng, cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. Đội ngũ thầy thuốc bệnh viện hứa sẽ luôn tận tâm, yêu nghề, hoàn thành tốt nhiệm vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hải Yến