Hồi 14h50p ngày 13.6, phòng khám Nhi của Bệnh viện Đa khoa đã tiếp nhận 1 trường hợp trẻ nhi 39 tháng tuổi với tình trạng: Viêm phổi/ suy hô hấp cấp.
Sau khi được thăm khám bệnh nhi được nhập viện. Trên lâm sàng trẻ có ho, khò khè, khó thở, Sp02 ( phân áp oxy trong máu): 60% ( chỉ sổ ở người bình thường : 95-100%). Không khai thác được người chứng kiến trẻ hóc dị vật và chứng kiến hội chứng xâm nhập. Phổi phải giảm thông khí. Rales rít, rales ẩm 2 trường phổi. XQuang tim phổi: mờ toàn bộ trường phổi phải. CT scanner lồng ngực: Hình ảnh dị vật phế quản gốc phải gây xẹp trường phổi phải.
Sau khi được hội chẩn cấp cứu giữa 3 khoa: Khoa Nhi- Khoa Tai Mũi Họng- Khoa Gây Mê Hồi sức. Bệnh nhi đã được cấp cứu nội soi khí phế quản ống cứng gắp dị vật vào hồi 17h cùng ngày. Dị vật được gắp ra là hạt đậu tương mắc kẹt tại phế quản gốc phải gây biến chứng xẹp phổi phải và viêm phổi.
Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã xử trí và gắp thành công nhiều ca dị vật đường thở. Qua sự việc trên các bác sĩ cũng khuyến cáo: Dị vật đường thở là cấp cứu tai mũi họng, có thể gây tử vong, thường xảy ra ở trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi. Nguyên nhân thường gặp là các hạt trái cây, viên bi, trà sữa trân châu hoặc sặc sữa, bột… Các bậc cha mẹ nên đặc biệt chú ý khi cho con ăn những loại hạt có kích thước nhỏ, hoặc các món đồ chơi kích thước nhỏ của các bé, không cho các bé ngậm chơi, nói, cười khi đang ăn. Nếu trẻ bị dị vật đường hô hấp, sau khi cấp cứu tức thì, hãy nhanh chóng chuyển trẻ đến bệnh viện tuyến tỉnh trong thời gian sớm nhất có thể, để công tác xử lý cấp cứu được kịp thời và ít tai biến, biến chứng.
Ngọc Anh