BỆNH THƯỜNG GẶP Ở TRẺ VÀO MÙA HÈ VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH



Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, đặc biệt là độ ẩm trong không khí cao là những điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút… bùng phát, tấn công và gây bệnh cho con người, đặc biệt là trẻ em sức đề kháng còn yếu. Chính vì vậy các bậc phụ huynh cần lưu ý để giúp trẻ phòng bệnh

Tiêm chủng đầy đủ là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh cho trẻ

Tiêm chủng đầy đủ là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh cho trẻ

Những bệnh lý thường gặp

Bệnh tiêu chảy: Mùa nóng là mùa bùng phát và dễ mắc bệnh tiêu chảy là do nắng nóng, thức ăn dễ bị ôi, thiu, nước uống không đảm bảo vệ sinh, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy.

Ngộ độc thức ăn: Thời tiết nắng nóng nếu thức ăn không được bảo quản kỹ và việc chế biến không đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dễ dẫn đến nhiễm các vi khuẩn như tụ cầu, Salmonella,... là nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn ở trẻ em, nhất là trong các bếp ăn tập thể tại trường học.

Viêm não Nhật Bản B: Trong mùa nóng, các loại muỗi phát triển trong đó có muỗi truyền bệnh Viêm não Nhật Bản. Theo ghi nhận của các chuyên gia y tế về bệnh truyền nhiễm thì tỷ lệ mắc bệnh viêm não Nhật Bản B ở trẻ em thường cao trong mùa hè. Đây là bệnh lý khá nguy hiểm, gây tử vong hoặc để lại di chứng cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, bệnh viêm não Nhật Bản hiện nay đã được phòng bằng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã góp phần làm giảm số ca mắc ở trẻ em tại cộng đồng.

Bệnh tay chân miệng: Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi, khả năng lây lan rất cao, bệnh liên quan đặc biệt đến vấn đề vệ sinh cá nhân và môi trường. Bệnh thật sự nguy hiểm nếu xuất hiện các biến chứng về thần kinh như run chi, co giật, hốt hoảng, lơ mơ… nếu gặp những biểu hiện này gia đình nên khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện để được chữa trị và phòng bệnh kịp thời.

Nhiễm vi rút: Mùa nắng nóng cũng là thời điểm làm cho trẻ dễ bị nhiễm vi rút khiến trẻ bị sốt, phát ban, quấy khóc, nôn, ăn uống kém… Hiện có hơn 200 chủng vi rút được phân lập, tuy nhiên hầu hết đều là siêu vi thông thường ít có hại cho trẻ, bệnh có thể tự khỏi trong 5 - 7 ngày nếu được theo dõi và chăm sóc tốt. Một số vi rút nguy hiểm có thể gây hại cho trẻ, chúng ta cần phải chú ý để có cách phòng ngừa chủ động bằng các loại vắc xin sẵn có như vi rút cúm, sởi, thủy đậu, quai bị, rubella…

Các bệnh khác: Với thời tiết oi bức, nhiệt độ môi trường tăng cao làm trẻ em thường bị chứng rôm sảy gây mẩn ngứa rất khó chịu hoặc trẻ có thể bị say nắng nếu chơi ở ngoài nắng nóng quá lâu, vì cơ thể trẻ bị mất nước và muối khoáng khá nhiều qua sự bài tiết mồ hôi trên da, qua hơi thở.

Biện pháp phòng ngừa

Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt như: Rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình.

Ăn uống hợp vệ sinh: Việc chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống phải tuân thủ chặt chẽ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế, nhằm loại trừ tối đa các tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Tăng cường lượng dịch uống: Để bồi hoàn lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi để nguội… giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và tăng cường sức khỏe để chống lại với bệnh tật.

Tiêm ngừa đầy đủ: Hầu hết bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ em đều có vắc xin phòng bệnh và phòng bệnh bằng vắc xin là biện pháp hiệu quả và rẻ nhất. Hiện  các vắc xin trên được triển khai trong tiêm chủng mở rộng hoặc tại các phòng tiêm dịch vụ trên địa bàn toàn tỉnh (tại phòng tiêm dịch vụ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang, Trung tâm Y tế các huyện và Trạm Y tế xã, phường, thị trấn).

Thu Ngân (Soạn)  - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật