BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH



Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh lây lan nhanh, muỗi vằn Aedes Aegypti là trung gian truyền bệnh. Bệnh xảy ra quanh năm, ở hầu hết các tỉnh thành phố và phát triển nhiều nhất vào mùa mưa. Loại muỗi này sống trong nhà và xung quanh nhà, thích đẻ trứng ở các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, nước mưa

Chủ động phun hóa chất diệt muỗi để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết

Chủ động phun hóa chất diệt muỗi để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết

Bệnh SXH do vi rút Dengue gây ra, với 4 chủng khác nhau là DEN1, DEN2, DEN3, DEN4. Sau khi bị nhiễm một chủng, cơ thể sẽ tạo miễn dịch suốt đời với chủng đó. Tuy nhiên, lúc này người bệnh vẫn có thể bị sốt xuất huyết lần 2, lần 3 hay thậm chí là lần 4 do nhiễm các chủng khác.

Chủ đề của ngày ASEAN phòng chống SXH năm nay là: "Mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan thực hiện diệt loăng quăng, diệt muỗi để phòng chống sốt xuất huyết". Với mục tiêu nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ và thực hành phòng, chống bệnh SXH trong cộng đồng. Giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do SXH.

Biểu hiện của bệnh SXH

Các triệu chứng khi người bệnh nhiễm vi rút Dengue thường không rõ ràng.

Ở thể bệnh nhẹ, triệu chứng của người bệnh thường là sốt cao đột ngột 390C - 400C, sốt kéo dài và khó hạ sốt. Ngoài ra còn có những triệu chứng khác như đau đầu, đau nhiều vùng trán, đau hốc mắt dữ dội.

Ở thể nặng, người bệnh có thể kèm theo các dấu hiệu xuất huyết như chấm đỏ ngoài da, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen. Cũng có trường hợp kèm đau bụng, chân tay lạnh, người vật vã. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong.

Các giai đoạn tiến triển của bệnh sốt xuất huyết

Có thể thấy bệnh sốt xuất huyết có triệu chứng khá đa dạng. Người bệnh sẽ phải trải qua 4 giai đoạn dưới đây:

Giai đoạn ủ bệnh: người bệnh chưa xuất hiện triệu chứng, thường từ 4 - 7 ngày, cũng có thể là 14 ngày.

Giai đoạn sốt: Khởi phát đột ngột, sốt cao trên 390C, kéo dài và khó hạ sốt, thời gian này thường kéo dài từ 1-3 ngày. Các triệu chứng kèm theo như mệt mỏi, đau đầu, đau hốc mắt, đau cơ kèm nôn, tiêu chảy,...

Giai đoạn nguy hiểm: Khoảng từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 kể từ khi sốt. Triệu chứng trở nặng, có thể thấy các dấu hiệu xuất huyết dưới da ở chân, tay, bụng, đùi. Nặng hơn, người bệnh có thể xuất huyết nội tạng, xuất huyết tiêu hóa hoặc xuất huyết não, rất nguy hiểm.

Giai đoạn phục hồi: Sau giai đoạn trên, người bệnh sẽ dần hết sốt, thể trạng tốt hơn, bắt đầu thèm ăn. Số lượng tiểu cầu cũng tăng dần, người bệnh nhanh chóng hồi phục.

Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm

Khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh cần quan sát cẩn thận, đặc biệt là khi xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo như:

- Xuất huyết: Chấm đỏ trên da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, kinh nguyệt bất thường.

- Đau bụng dữ dội, liên tục nôn.

- Người sốt cao li bì, rối loạn ý thức.

- Khó thở, chân tay lạnh, da xanh tím.

Nếu có những dấu hiệu trên, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và xử trí kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Cách phòng ngừa bệnh SXH

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi: Đậy kín các dụng cụ chứa nước, dọn dẹp các dụng cụ chứa nước thường xuyên, khơi thông cống dãnh thoát nước, không để đọng nước.

         - Cọ rửa và thay nước thường xuyên ở các vật dụng chứa nước trong nhà như: Xô, chậu, bình hoa…

          - Thả cá diệt lăng quăng.

          - Bỏ muối hoặc bỏ dầu vào các chén nước chống kiến ở chân tủ, chạn bát.

- Tổng vệ sinh môi trường, thu gom, hủy bỏ các vật chứa nước không cần thiết (vỏ đồ hộp, vỏ xe cũ, chai lọ…)

- Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, không treo quần áo ở ngoài để giảm bớt chỗ cư ngụ của muỗi.

- Mắc màn khi ngủ, bôi kem chống, mặc quần áo dài tay phòng muỗi đốt.

- Làm rèm che cửa để hạn chế muỗi xâm nhập vào nhà.

- Dùng hương xua muỗi, vợt muỗi .

- Dùng bình xịt muỗi loại nhỏ tại nhà.

- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất chống dịch.

Thu Ngân