Bệnh Lao kháng thuốc – Nguyên nhân và biện pháp phòng chống



Chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện Lao và Bệnh phổi

        Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong những năm qua Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng trong công tác phòng chống bệnh lao. Tuy nhiên trên thực tế số người mắc lao ở nước ta vẫn còn cao, xếp thứ 15 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới. Đặc biệt đối với bệnh lao kháng thuốc, Việt Nam xếp thứ 13 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng thuốc cao nhất trên toàn cầu.

        Năm 2019 trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và điều trị 568 người bệnh lao, trong đó có 341 người bệnh điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh và 227 người bệnh điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện. Thời gian qua bệnh viện Lao và Bệnh phổi đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng chăm sóc điều trị cho người bệnh: Đội ngũ y bác sĩ được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, y đức trong thực hiện nhiệm vụ; đầu tư nâng cấp các trang thiết bị chẩn đoán, điều trị đáp ứng yêu cầu chuyên môn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm khẩu phần dinh dưỡng cho người bệnh thuộc đối tượng khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Một bệnh nhân điều trị bệnh lao thông thường sẽ được điều trị nội trú 2 tháng tại bệnh viện, sau đó tiếp tục được cấp thuốc uống điều trị tại  nhà trong thời gian từ 4 -6 tháng. Sau điều trị, hầu hết người bệnh Lao đã khỏi bệnh, sức khỏe và chất lượng cuộc sống đều đã được cải thiện.

        Hiện nay trên địa bàn tỉnh trung bình mỗi năm vẫn phát hiện khoảng hơn 10 trường hợp bị lao kháng thuốc, chiếm khoảng 2% tổng số người bệnh điều trị. Tại bệnh viện Lao và Bệnh phổi hiện đang có 4 người bệnh lao kháng thuốc điều trị. Bác Mai Văn T. 57 tuổi, một người bệnh điều trị lao kháng thuốc tại bệnh viện Lao và bệnh phổi cho biết “Bác đã phải nằm điều trị Lao kháng thuốc tại bệnh viện Lao và Bệnh phổi tới 7 tháng, thời gian điều trị rất dài, tuy được miễn phí thuốc điều trị, song thời gian điều trị dài cũng gây tốn kém và ảnh hưởng tới cả gia đình”.

       Thực tế, điều trị bệnh lao kháng thuốc khó khăn hơn nhiều so với điều trị lao thông thường do thời gian điều trị dài, người bệnh phải điều trị phối hợp nhiều loại thuốc lao, tác dụng không mong muốn của thuốc cũng ảnh hưởng rất nhiều tới người bệnh, chi phí tốn kém. Nguy hiểm hơn nếu người bệnh không được phát hiện để điều trị thì sẽ nguồn lây bệnh cho cộng đồng.

        Bác sĩ Chúc Hồng Phương, Giám đốc bệnh viện Lao và Bệnh phổi cho biết: “Để phòng bệnh lao kháng thuốc, với những người bị bệnh lao cần tuyệt đối tuân thủ điều trị, không bỏ thuốc, thực hiện đúng phác đồ điều trị; trẻ nhỏ cần được tiêm phòng lao đầy đủ; nơi ở cần phải thông thoáng, sạch sẽ, dinh dưỡng hợp lý; khi có các triệu chứng bất thường của cơ thể như ho, sốt kéo dài, gầy sút cân,… cần đến cơ sở y tế để được khám tư vấn và tiếp cận điều trị kịp thời nếu mắc lao”.

        Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống bệnh lao nói chung và bệnh lao kháng thuốc nói riêng, bệnh viện Lao và Bệnh phổi đã tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông, đồng thời tổ chức khám sàng lọc phát hiện kịp thời các trường hợp mắc lao, lao kháng thuốc  để tiếp cận điều trị. Tăng cường quản lý người bệnh trong giai đoạn điều trị ngoại trú.  

        Với sự phát triển của nền y học hiện đại, bệnh lao nói chung và bệnh lao kháng thuốc đều có thể chữa khỏi hoàn toàn. Điều cần thiết nhất là mỗi người dân trong cộng đồng cần có kiến thức để phòng chống bệnh lao và không xa lánh kỳ thị với người mắc lao.

Liên Hương