Tiêm vắc xin phòng dại ngay sau khi bị chó, mèo cắn để phòng bệnh dại hiệu quả
Trong những năm gần đây bệnh dại vẫn có xu hướng diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Hàng năm căn bệnh này gây ra cái chết cho 60.000 - 70.000 người và hàng triệu loài động vật. Tại Việt Nam, bệnh dại là nguyên nhân gây ra khoảng hơn 70 ca tử vong vào mỗi năm, hầu hết các trường hợp bệnh dại ở Việt Nam do chó dại cắn. Nguy hiểm nhất là khi đã lên cơn dại thì kể cả là người hay động vật đều sẽ tử vong nhanh chóng trong đau đớn và hoảng loạn.
Vì sao khi lên cơn dại là tử vong?
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nguyên nhân gây ra bệnh dại là là do một loại vi rút dại có tên là (Rhabdovirus) có trong nước bọt của những động vật bị bệnh dại (Chủ yếu là chó, mèo, ngoài ra, virus dại cũng được phát hiện ở chồn, dơi... ). Động vật nhiễm bệnh sẽ lây nhiễm bệnh dại cho động vật khác hoặc con người thông qua vết cắn. Trong một vài trường hợp, bệnh dại có thể được lây nhiễm thông qua sự tiếp xúc nước bọt với vết thương hở, niêm mạc (mắt, mũi). Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, vi rút nhân lên và hướng tới hệ thần kinh trung ương. Vi rút di chuyển dọc theo các dây thần kinh tiến tới tủy sống và não bộ phá hủy mô thần kinh, gây nên những cơn kích động ở người bệnh. Người bị bệnh dại có những biểu hiện kích động như sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, bị liệt dẫn tới suy hô hấp và hôn mê. Hiện nay không có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dại và tổn thương hệ thần kinh trung ương trong bệnh dại là không hồi phục. Người bệnh thường tử vong sau 7 - 10 ngày.
Triệu chứng của bệnh dại
Thời kỳ đầu: Khoảng 1-4 ngày, biểu hiện kín đáo và không đặc hiệu như sốt, đau đầu, mất ngủ, có cảm giác ngứa, dị cảm như kiến bò chỗ vết cắn; lo âu, căng thẳng, hoảng hốt.
Thời kỳ toàn phát: Người bệnh đau nhức đầu nhiều, buồn nôn, chóng mặt, lo âu cực độ, trạng thái kích thích và tăng cảm giác biểu hiện là sợ nước, sợ gió, ánh sáng, mùi lạ; các biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật như: giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, nước mắt, vã mồ hôi, hạ huyết áp… Người bệnh tử vong trong vòng vài ngày sau khi lên cơn dại. Ở giai đoạn này, người bệnh chỉ thoáng nhìn thấy nước đã có thể gây co thắt ở cổ và họng.
Cách phòng ngừa bệnh dại
Các ca tử vong vì bệnh dại chủ yếu là do chó, mèo của gia đình hoặc hàng xóm cắn, nhưng vì tâm lí chủ quan do “chó nhà” cắn nên không chủ động phòng ngừa nên mới gây ra những hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh dại, cần chủ động bằng các biện pháp sau:
Trước hết, cần vệ sinh vết thương nhằm giúp hạn chế nước bọt của động vật bám nhiều hơn vào vết thương bằng cách: Rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh trong vòng 15 phút, nước ấm càng tốt. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine, tuyệt đối không cố gắng nặn máu. Không nên chà sát vết thương, tránh làm vết thương trầm trọng hơn, sau đó, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm “vắc xin phòng dại” ngay sau bị chó, mèo cắn. Hiện nay vắc-xin phòng dại đều là vắc-xin thế hệ mới, không còn tác dụng phụ gây biến chứng, rất an toàn. Nếu tiêm phòng sớm, đúng lịch và đủ mũi, hiệu quả bảo vệ gần như tuyệt đối.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng không nên đắp, sát bất cứ loại lá nào lên vết thương; tránh cho trẻ nhỏ chơi với động vật, nhất là chó, mèo đi lạc; nhà có vật nuôi như chó, mèo cần chủ động tiêm chủng phòng dại cho chúng, cần quản lý cho, mèo nuôi như đeo dọ mõm và xích không cho chúng chạy rong bên ngoài; báo cáo với cơ quan chức năng và thú y địa phương nơi có chó, mèo thả rông và có động vật bị bệnh dại.
Hông Mai (TH)