Chủ động đi tiêm vắc xin phòng dại khi bị chó, mèo cắn
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Động vật mắc bệnh dại chủ yếu là chó, mèo nuôi. Khi người đã lên cơn dại thì hầu hết là tử vong.
Tại tỉnh ta, việc giữ thói quen nuôi chó, mèo thả rông, không đeo rọ mõm vẫn còn diễn ra tại các khu dân cư và những nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Việc thả rông chó, mèo không đeo rọ mõm đã khiến nhiều trường hợp bị cắn thương tâm. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh từ đầu năm đến nay có gần 1.400 trường hợp đến tiêm vắc xin phòng bệnh dại do chó, mèo cắn tại phòng tiêm chủng. Đây là những con số thống kê được còn trong thực tế còn rất nhiều người chủ quan không đi tiêm phòng.
Biểu hiện của bệnh dại trên người:
Thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên 1 năm hoặc 2 năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virut xâm nhập cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương ở đầu và cổ hay vùng có nhiều dây thần kinh như ngón tay, thường có thời gian ủ bệnh ngắn hơn. Người nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%.
Bệnh dại ở người có 2 thể lâm sàng là thể hung dữ và thể liệt. Thể hung dữ, bệnh nhân thường biểu hiện triệu chứng gào thét, tăng cảm giác của các giác quan, sợ gió, sợ nước nên thường được gọi là bệnh sợ nước (Hydrophobia), bị hoang tưởng, đập phá, co thắt thanh quản... Ở thể liệt, bệnh nhân thường nằm im lìm, hay có liệt hướng lên, liệt hô hấp. Tất cả các bệnh nhân lên cơn dại đều bị tử vong.
Phòng bệnh:
Người bị nhiễm vi rút dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì gần như 100% là tử vong, song chúng ta hoàn toàn có thể tránh được nếu người bị súc vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin kịp thời, đầy đủ và đúng lịch. Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
2. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
3. Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.
4. Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.
5. Khi bị chó, mèo cắn cần:
- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để giảm khả năng lây truyền của bệnh dại.
- Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod
- Hạn chế làm giập vết thương và không băng kín vết thương.
- Không tự chữa tại nhà bằng thuốc lá dùng để đắp, rắc vào vết thương; hiện chưa có bài thuốc nam nào có thể chữa được bệnh dại.
- Không có biện pháp nào để thử xem có mắc bệnh dại hay không ngay sau khi bị súc vật nghi dại cắn.
- Đến ngay Trung tâm Y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
Thùy Dung (Soạn)