Vai trò của nước sạch đối với sức khỏe con người



Sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày

Sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày

      Trong cuộc sống hàng ngày, việc quan tâm đến nước sạch để phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, các bệnh về da là một vấn đề rất quan trọng. Nước sạch phải là nước trong, không màu, không mùi, không vị lạ, không gây khó chịu cho người sử dụng, không chứa các mầm bệnh, không chứa các chất độc hại. Nước sạch có nhiều nguồn cung cấp khác nhau như nước mưa, nước giếng khoan, nước giếng đào, nước máng lần và hệ thống cung cấp nước tập trung (Trạm cấp nước, Nhà máy nước). Mỗi gia đình cần có ít nhất một trong các nguồn nước sạch, nước được lấy từ bất cứ nguồn nào cho dù đã qua xử lý trước khi uống cũng phải đun sôi, tuyệt đối không uống nước lã.

    Tuy nhiên, không phải ai cũng được tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch. Nguồn nước sạch mà người dân sử dụng phổ biến hiện nay là: Nước máy, nước uống đóng chai, nước đã qua xử lý bằng hệ thống lọc đã được công bố chất lượng. Đa số người dân đều nhận xét nguồn nước sạch hay ô nhiễm bằng cảm quan, mà không dựa trên cơ sở khoa học.

      Vai trò của nước đối với sức khỏe con người

       Nước sạch đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể người, vì nước chiếm đến 70 - 80% trọng lượng cơ thể.

      Nước có khả năng cung cấp nguồn chất khoáng, vận chuyển chất dinh dưỡng cần thiết cho các tế bào, nuôi dưỡng tế bào trong mọi hoạt động trong cơ thể. Nước sạch mà hàng ngày chúng ta thường sử dụng có chứa rất nhiều các chất khoáng có lợi cho sức khỏe. Nước sạch được coi là dung môi sống của các phản ứng hóa học trong cơ thể, tham gia quá trình chuyển hóa và các phản ứng trao đối chất nhằm xây dựng và duy trì tế bào. Các tế bào có thể hoạt động và thực hiện các chức năng của mình là do được hòa tan trong dung môi. Nước có khả năng đào thải các độc tố, các chất cặn bã mà các cơ quan, tế bào không thể hấp thu và được đưa ra ngoài thông qua đường nước tiểu và phân. Nước còn có khả năng ổn định nhiệt độ cơ thể, phân phối hơi nóng của cơ thể. Nước làm cơ thể giải phóng nhiệt độ khi nhiệt độ môi trường cao hơn so với nhiệt độ cơ thể. Ngoài ra, nước còn có tác dụng bôi trơn nơi tiếp xúc với các đầu nối, bao hoạt dịch và màng bao, làm cho các khớp linh động. Nó còn có tác dụng giảm xóc cho mắt, tủy sống kể cả thai nhi trong nước ối.

       Vì vậy, sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, trong ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp để đáp ứng nhu cầu cuộc sống của con người là yếu tố quyết định đến sức khỏe của mỗi người và cả cộng đồng. Khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm sẽ gây ra các bệnh về đường ruột như: Lỵ, tả, thương hàn...; các bệnh về mắt, da liễu, phụ khoa như: Nấm, lang ben, hắc lào, ghẻ, chàm, đau mắt đỏ, đau mắt hột, viêm kết mạc, viêm màng tiếp hợp, viêm âm đạo… Các bệnh này có thể lây bệnh sang người lành do nguyên nhân chính là thiếu nước và sử dụng chung nguồn nước bị ô nhiễm để sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm các kim loại nặng lâu ngày có thể gây ra các bệnh ung thư.

       Một số biện pháp bảo đảm nguồn nước sạch tại gia đình

       Để hạn chế sự ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến sức khỏe thì tại mỗi gia đình phải có biện pháp xử lý nước đơn giản như máy lọc nước, đặc biệt phải có ý thức bảo vệ nguồn nước.

      Giữ sạch nguồn nước: Nâng cao ý thức cộng đồng để giữ sạch nguồn nước bằng cách không vứt rác, phóng uế bừa bãi ảnh hưởng đến nguồn nước sạch; không dùng phân tươi làm phân bón; sử dụng thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn …

      Tiết kiệm nước sạch: Giảm lãng phí khi sử dụng nước vào các sinh hoạt hàng ngày; kiểm tra, bảo trì cải tạo lại đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát nước; dùng lại nguồn nước bể bơi, nước mưa vào những việc thích hợp như cọ rửa sân, tưới cây…

      Xử lý phân người: Vận động và ứng dụng tốt các giải pháp để xây dựng các loại nhà tiêu hợp vệ sinh (tự hoại, thấm dội nước, hai ngăn, hố xí đào)

      Xử lý phân gia súc, động vật: Cần có kế hoạch thu gom với hố ủ hợp vệ sinh, chuồng trại cách xa nguồn nước theo qui định vệ sinh…

      Xử lý nước thải: Cần có hệ thống xử lý chung hoặc riêng các loại nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải y tế... đảm bảo tiêu chuẩn trước khi đổ ra hệ thống cống chung hoặc đồng ruộng hoặc sông, suối, mương, khe.

Thu Ngân (soạn)