Tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Mậu Tuất 2018



Năm 2017, theo thống kê của Bộ Y tế, số vụ ngộ độc thực phẩm của cả nước giảm, tuy nhiên số người tử vong tăng gấp đôi so với năm 2016. Cụ thể, cả nước ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.869 người mắc giảm 27 vụ và 438 người mắc, số người tử vong là 24 người tăng 12 người so với năm 2016

Tại Hà Giang, trong năm 2017 xảy ra 04 vụ ngộ độc thực phẩm tại huyện Yên Minh, Hoàng Su Phì, Bắc Mê và Vị Xuyên làm 169 người mắc và 06 người tử vong, so với cùng kỳ năm 2016 giảm 02 vụ, tuy nhiên số mắc tăng 41 người và số tử vong tăng 02 người.

Có thể thấy, ngộ độc thực phẩm xảy ra ngày càng nhiều, không chỉ ở các nhà ăn tập thể mà còn xảy ra ở rất nhiều gia đình, kể cả ở thành thị và nông thôn... Trong dịp tết Nguyên đán gần về, nhu cầu giao lưu của mỗi người là rất lớn, do vậy nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm cao, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm tập thể. Nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra, Ban Chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh, Sở Y tế đã triển khai các kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trong dịp Tết nguyên đán. Theo đó, tích cực tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc phòng ngừa ngộ độc bánh ngô mốc, nấm độc, rau củ quả rừng và phòng ngừa ngộ độc rượu trong dịp Tết; Giám sát việc thực hiện điều kiện cơ sở, kiến thức, sức khỏe người trực tiếp chế biến thực phẩm… Đồng thời phổ biến hướng dẫn cách lựa chọn, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn đến người dân; Nâng cao vai trò trách nhiệm thực hiện tốt các quy định về vệ sinh dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm… Song song với đó, thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra về công tác an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; cơ sở dịch vụ ăn uống, làng nghề truyền thống, kinh doanh nhỏ lẻ hộ gia đình; cơ sở thức ăn đường phố trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Như Chưởng, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Tết đến nhu cầu mua bán của người dân là rất lớn, để đảm bảo sản phẩm thực phẩm trong sản xuất, chế biến và sử dụng chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết như bánh kẹo, mứt, rượu bia… tuyệt đối không để thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường để người dân đón một cái Tết an toàn, sức khỏe, đầm ấm.

Qua thực tế kiểm tra tại một số huyện trên địa bàn tỉnh vừa qua cho thấy những mặt hàng trôi nổi, giá rẻ vẫn còn xuất hiện tại một số địa bàn ở các xã vùng sâu, vùng xa. Do vậy, để đảm bảo đón Tết vui xuân an toàn, bên cạnh việc vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng thì người tiêu dùng nên mua hàng ở những nơi có uy tín và lựa chọn thực phẩm tươi, có nguồn gốc rõ ràng.

----------------------------------------------------------------------------------------------

10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm an toàn mà mỗi người, mỗi gia đình cần nắm được:

1. Chọn thực phẩm tươi, sạch, an toàn.

2. Thực hiện “ăn chín uống sôi”. Ngâm kỹ rửa sạch, gọt vỏ quả tươi trước khi sử dụng.

3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín. 

4. Che đậy bảo quản cẩn thận thức ăn sau khi nấu chín.

5. Đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi sử dụng. 

6. Không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm chín, không dùng chung dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín.

7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thực phẩm đặc biệt sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các nguồn dễ ô nhiễm khác.

8. Bảo đảm dụng cụ, nơi chế biến thực phẩm phải khô ráo, gọn gàng, sạch sẽ, hợp vệ sinh.

9. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu, mốc hỏng, quá hạn.

10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn trong chế biến thực phẩm.

Thùy Dung  Trung tâm TT/GDSK