NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ ĐÚNG CÁCH - GIẢM NGUY CƠ MẮC BỆNH TẬT VÀ TỬ VONG CHO TRẺ



Sữa mẹ là thực phẩm hoàn hảo nhất, cung cấp cho trẻ sự phát triển toàn diện, giảm nguy cơ mắc bệnh tật và tử vong. Do vậy Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu đời.

Sữa mẹ là một dạng mô sống ở thể lỏng tương tự như máu, với khoảng 4.000 tế bào sống hoạt động trong 1ml sữa. Sữa mẹ là tập hợp phong phú các yếu tố hoá sinh ở dạng đang hoạt động với một số lượng lớn các hormon và yếu tố tăng trưởng. Trong sữa mẹ còn có ít nhất 60 loại enzym, và các chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng mà không có bất cứ loại sữa nào có được. Đồng thời, sữa mẹ cũng là nguồn thức ăn luôn tự thay đổi các thành phần dinh dưỡng cho phù hợp với quá trình phát triển của trẻ trong năm đầu tiên, theo nhu cầu, khả năng tiêu hoá và trao đổi chất của trẻ.

Các nghiên cứu đã chứng minh, sữa mẹ giúp bảo vệ ngăn chặn sự thâm nhập và làm giảm các yếu tố gây dị ứng, chống lại các vi khuẩn, virus gây bệnh ở trẻ. Ngoài ra, tỷ lệ giữa các axit amin, các loại axit béo không no, vitamin và khoáng chất trong sữa mẹ rất phù hợp cho sự phát triển của hệ thần kinh trẻ. Trong giai đoạn đầu mới sinh, trẻ có nhu cầu lớn về số lượng cholesterol cần thiết để tạo lớp vỏ bọc bảo vệ dây thần kinh. Bản thân cơ thể trẻ không tự tổng hợp được loại axit này và nó cũng không có trong các loại sữa động vật khác. Do vậy sữa mẹ là nguồn duy nhất cung cấp cho trẻ taurine để phát triển não bộ và võng mạc mắt. Đồng thời, tỷ lệ giữa các khoáng chất, canxi, phôtpho và magnez có trong sữa mẹ là tốt nhất cho sự phát triển hệ xương của trẻ. Những yếu tố này có tác động rất lớn tới sự phát triển bền vững lâu dài của hệ xương cho tới khi về già. Bên cạnh đó, những trẻ được bú mẹ rất ít bị mắc các khuyết tật về phát âm, vì việc bú mẹ giúp bé phát triển đồng bộ hệ cơ xương ổ miệng và má. Vì vậy, trong khoảng 2 tháng đầu tiên, sữa mẹ được coi là liều vắc xin hiệu nghiệm cho cơ thể non yếu của trẻ và cho trẻ bú sữa mẹ (ít nhất 6 tháng đầu) có thể tránh được nguy cơ mắc nhiều loại bệnh cấp và mãn tính như tiêu chảy, nhiễm trùng đường hô hấp...

Để đảm bảo nguồn sữa mẹ đầy đủ và trẻ hấp thu tốt nguồn sữa mẹ, cần cho trẻ bú đúng cách:

          Thời điểm cho trẻ bú: Tốt nhất là ngay sau khi sinh trong vòng 1 giờ đầu, người mẹ nên cho trẻ bú càng sớm càng tốt. Vì sữa non có nhiều chất dinh dưỡng, kháng thể sẽ phòng bệnh được tốt. Bên cạnh đó, viêc cho bé bú sớm còn có tác dụng co hồi tử cung, cầm máu cho người mẹ sau đẻ. Số lần trẻ bú không gò bó theo giờ giấc mà tuỳ thuộc vào nhu cầu của trẻ. Ở những bà mẹ ít sữa, nên cho trẻ bú nhiều lần để kích thích bài tiết sữa tốt hơn. Nếu trẻ đi tiểu ít nhất 6 lần trong vòng 24 giờ, đó là dấu hiệu của trẻ bú đủ. Nếu trẻ đi tiểu dưới 6 lần trong ngày, cần cho trẻ bú nhiều hơn hoặc người mẹ cần xem lại kỹ thuật cho con bú có đúng hay không.

          Tư thế cho trẻ bú: Khi cho trẻ bú, người mẹ ở tư thế thoải mái, có thể nằm hoặc ngồi cho bú, để toàn thân trẻ sát vào người mẹ: Miệng trẻ ngậm sâu vào quầng đen bao quanh núm vú. Thời gian cho bú tuỳ theo đứa trẻ. Cho trẻ bú đến khi trẻ no, tự rời vú mẹ. Sau khi bú xong một bên, nếu trẻ chưa đủ no thì chuyển sang vú bên kia để đảm bảo trẻ được bú cả sữa đầu và sữa cuối giàu dinh dưỡng.

          Thời gian trẻ cai sữa: Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ngay cả khi trẻ bị tiêu chảy, vẫn tiếp tục cho trẻ bú. Trẻ đẻ non, yếu không mút được vú mẹ hoặc trường hợp mẹ bị ốm nặng, bị mắc một số bệnh không cho trẻ bú được, cần vắt sữa cho trẻ ăn bằng cốc. Nên cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi hoặc có thể lâu hơn, không nên cai sữa cho trẻ trước 12 tháng.

          Người mẹ, để có nhiều sữa cho con bú thì ngay trong thời kỳ có thai và sau khi sinh con cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, khẩu phần ăn cần cao hơn mức bình thường để có đầy đủ vitamin, uống nhiều nước. Đồng thời, hạn chế uống nước ngọt có ga, uống rượu, cà phê, các loại gia vị (hành, tiêu, ớt, tỏi...) vì các gia vị này có thể sẽ làm ảnh hưởng đến mùi vị của sữa. Cần ngủ đủ giấc và tinh thần thoải mái.

Hồng Mai (Tổng hợp) - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật