LỢI ÍCH CỦA NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ



Đối với trẻ sơ sinh, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất trong 6 tháng đầu đời, cung cấp nguồn dinh dưỡng thiết yếu. Nhiều nghiên cứu trên thế giới và trong nước đã chứng minh nuôi con bằng sữa mẹ góp phần làm giảm tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ sơ sinh

Nuôi con bằng sữa mẹ góp phần làm giảm tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, 
nhất là trẻ sơ sinh

Nuôi con bằng sữa mẹ góp phần làm giảm tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ sơ sinh

Sữa mẹ được sản xuất từ vú trong những tháng cuối của thai kỳ. Sữa tiết ra trong vài ngày đầu sau đẻ gọi là sữa non. Sữa non có màu hơi vàng sánh đặc có nhiều protein, vitamin A và các thành phần miễn dịch. Sữa non có tác dụng đào thải phân su, giảm mức độ vàng da, có yếu tố tăng trưởng biểu bì giúp cho ruột trưởng thành phòng chống dị ứng, không dung nạp thức ăn khác. Sau giai đoạn sữa non là sữa trưởng thành. Sữa này gồm sữa đầu bữa bú và sữa cuối bữa bú. Sữa đầu bữa có màu hơi xanh cung cấp nhiều nước và các chất dinh dưỡng. Sữa cuối bữa có màu hơi trắng vì chứa nhiều chất béo và cấp nhiều năng lượng.          Trong 6 tháng đầu sau đẻ, bú mẹ hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng và nước cho trẻ. Từ 6-12 tháng tuổi sữa mẹ cung cấp 70% nhu cầu năng lượng. Từ 1-2 tuổi sữa mẹ cung cấp 30-40% nhu cầu năng lượng.

Nuôi con bằng sữa mẹ có thể giúp trẻ thông minh hơn, thông qua sự gần gũi giữa mẹ và bé. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ sẽ thông minh hơn và ít có nguy cơ mắc các vấn đề về hành vi khi lớn lên. Đặc biệt là đặc tính kháng virus, vi khuẩn của sữa mẹ giúp bảo vệ trẻ sơ sinh chống lại các virus gây cảm lạnh thông thường, tiêu chảy, viêm màng não, viêm não, viêm tai giữa, nhiễm trùng đường hô hấp, tổn thương mô ruột, hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), dị ứng, bệnh tiểu đường, bệnh bạch cầu… Thậm chí, gần đây một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng sữa mẹ của những phụ nữ bị nhiễm SARS-CoV-2 có thể giàu kháng thể chống lại loại virus này giống như đối với bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào khác. Đặc biệt là sữa non có chức năng miễn dịch ngay cả trước khi có chức năng dinh dưỡng với việc tập trung sản xuất các chất điều hòa miễn dịch, kháng thể và các phân tử có chức năng kháng khuẩn, kháng virus trực tiếp.   

          Đối với mẹ, nuôi con bằng sữa mẹ cũng mang đến rất nhiều lợi ích như: giúp mẹ giảm cân; giúp tử cung co lại và giảm chảy máu nhờ tiết ra hormone Oxytocin khi cho con bú; tiết kiệm thời gian và tiền bạc; làm ngừng quá trình rụng trứng và kinh nguyệt giúp mẹ tránh thai….

          Thêm vào đó, sự gắn kết giữa mẹ và bé khi cho con bú cũng giúp mẹ giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm sau sinh và các bệnh thường gặp như: huyết áp cao; viêm khớp; mỡ máu cao; tiểu đường; ung thư vú và ung thư buồng trứng…

          Chính vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị nuôi con bằng sữa mẹ nên được bắt đầu sớm nhất là một giờ sau khi sinh và kéo dài cho đến 2 tuổi hoặc lâu hơn bởi những lợi ích "vàng" mà sữa mẹ mang lại.

          Nguyên tắc nuôi con bằng sữa mẹ

          Sau khi sinh nên cho trẻ bú càng sớm càng tốt (trong 1 giờ đầu) để kích thích mẹ tiết sữa. Cho trẻ bú theo nhu cầu bất kể ngày đêm. Bú hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu, không cần ăn thêm bất kỳ thức ăn đồ uống nào khác. Bú hết một bên vú rồi mới chuyển sang bên vú kia để đảm bảo trẻ được bú cả sữa đầu và sữa cuối.

          Thời gian trung bình mỗi bữa bú 15 -20 phút. Nên cai sữa khi trẻ được 24 tháng hay lâu hơn nếu có thể. Khi mẹ bị bệnh, trẻ ốm, trẻ không tự bú được thì nên vắt sữa và cho trẻ ăn bằng thìa

Hồng Mai