BỆNH SỞI VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH



Theo số liệu thống kê, trong năm 2017, toàn quốc đã ghi nhận 431 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 131 trường hợp dương tính với sởi, không có trường hợp nào tử vong. Các trường hợp mắc sởi chủ yếu ghi nhận tại một số tỉnh miền Bắc

Khi mới nổi ban chưa dày

Khi mới nổi ban chưa dày

Tại tỉnh ta, trong năm 2017 qua giám sát 8 trường hợp phát ban nghi do sởi/rubella thì chỉ có 01 trường hợp xác định là rubella, không có trường hợp nào dương tính với sởi. Tuy nhiên với diễn biến phức tạp của bệnh sởi cùng với sự tích lũy của các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi từ năm 2014 đến nay thì tại một số địa phương có tỷ lệ tiêm vắc xin sởi thấp rất dễ có nguy cơ bùng phát dịch.

Sởi lan xuống lưng và đùi bé

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên, bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy... thậm chí có thể gây tử vong.

* Những dấu hiệu khi bị nhiễm sởi:

- Sốt 38-39oC và sốt liên tục.

- Trẻ bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), tiêu chảy.

- Mới đầu có những chấm nhỏ nổi lên trên niêm mạc miệng bên trong má, dễ quan sát khi trẻ há miệng to; chấm có màu đỏ, sung huyết, ở vị trí ngang với răng hàm thứ nhất. Dấu hiệu này mất nhanh trong vòng 12 đến 18 giờ.

- Sau khi sốt 3 đến 4 ngày, trẻ bị phát ban. Đầu tiên ban mọc từ sau tai, lan dần hai bên má, cổ, ngực, chi trên, sau lưng, chi dưới, đến toàn thân. Ban màu hồng nhạt, nhẵn, khi ấn vào thì biến mất, có xu hướng kết dính lại với nhau, phát ban xen giữa những khoảng da lành. Thể nhẹ thì ban rải rác, thể nặng thì ban dày gần như che kín da, cả gan bàn tay, chân, sau khi bay để lại vết thâm trên da.

- Trẻ ăn kém, mệt, mỏi. Thường thì 3 bốn 4 ngày sau khi ban mọc, ban sẽ bắt đầu bay, nhạt màu dần, nơi nào mọc trước thì sẽ bay trước và để lại vết thâm trên da, khoảng một tuần sau thì không còn dấu vết gì. Trẻ lại sức dần và hết sốt.

* Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu sau:

Trẻ sốt cao liên tục ≥ 39°C- 40°C; Khó thở, thở nhanh; Mệt mỏi, không ăn uống, không chơi, lơ mơ; Phát ban toàn thân mà vẫn sốt.

* Phụ huynh cần lưu ý:

- Khi phát hiện trẻ mắc bệnh cần cách ly trẻ bệnh với trẻ không bị bệnh.

- Đảm bảo tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày, tránh quan niệm kiêng tắm, kiêng gió sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng hơn.

- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hay nghi ngờ bệnh sởi.

- Tránh tối đa việc dụi mắt, mũi.

- Vệ sinh đường mũi, mắt hàng ngày.

- Lau nhà, bàn, ghế, cầu thang đồ chơi nơi khu vực vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.

- Trẻ phải được ăn đầy đủ thực phẩm dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, uống đủ nước.

* Một điều cần quan tâm là : Báo ngay cho cơ sở y tế địa phương biết

Bệnh sởi, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị chủ yếu là khắc phục triệu chứng như uống thuốc hạ sốt, vệ sinh toàn thân, răng miệng, mắt. Tiêm vắc xin là biện pháp phòng sởi an toàn và hiệu quả nhất. Trẻ cần tiêm đầy đủ 2 mũi, mũi thứ nhất khi trẻ được 9 tháng, mũi thứ hai khi trẻ được 18 tháng. Tuy nhiên, nếu quên lịch tiêm của trẻ, phụ huynh có thể tiêm phòng bổ sung, việc tiêm phòng muộn không làm ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của trẻ.

 

Ngọc Ánh (Tổng hợp)  Trung tâm Truyền thông GDSK