BỆNH CÚM A VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH



Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, gây ra bởi các chủng của vi rút cúm A phổ biến là A/H1N1, A/H5N1, A/H7N9… Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc hoặc qua tiếp xúc các đồ vật, bề mặt nhiễm vi rút. Trong một số trường hợp, bệnh có thể diễn tiến thành viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí nếu không điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến tử vong

Tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm, đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh

Tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm, đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh

Vi rút cúm có khả năng lây lan trực tiếp qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện khiến các giọt bắn của dịch tiết mũi họng có chứa vi rút xuất hiện trong không khí và tồn tại trên các bề mặt, đồ vật. Nếu tiếp xúc phải các dịch bắn này sẽ có nguy cơ nhiễm cúm, bệnh có thể diễn tiến thành viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí nếu không điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến tử vong.

          Cúm A thường xuất hiện trong các đợt cúm mùa và gây thành dịch vì vi rút cúm A thường xuyên thay đổi và phân nhóm tạo thành chủng mới từ cúm mùa này sang cúm mùa khác. Vì thế, việc tiêm vắc xin phòng cúm phải được tiêm nhắc lại mỗi năm để đảm bảo có hiệu quả với chủng cúm mới. Vi rút cúm A thường lây lan trên động vật như gà, chim, lợn, động vật có vú,… và có thể nhanh chóng lây sang người.

          Triệu chứng của bệnh

          Đây là tình trạng nhiễm vi rút cấp tính đường hô hấp với các biểu hiện: Sốt, đau cơ, mệt mỏi, viêm long đường hô hấpđau họng. Có thể kèm theo các triệu chứng của đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy). Đôi khi các triệu chứng này tự hết mà không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài nhiều ngày mà không cải thiện, cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh các biến chứng. Đặc biệt ở đối tượng trẻ có các bệnh mạn tính, cơ địa béo phì bị nhiễm vi rút cúm A rất dễ gây các biến chứng như: Viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí có thể viêm não, tử vong.

          Nguyên nhân gây bệnh

          Vi rút cúm A có thể lây truyền trực tiếp trong không khí thông qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, các giọt bắn kèm theo vi rút thoát ra ngoài có thể tiếp cận người khác và lây truyền bệnh bằng việc hít phải hoặc chạm phải đồ vật có vi rút.

          Một người có thể bị nhiễm cúm A khi:

          Sử dụng chung vật dụng sinh hoạt với người bị nhiễm bệnh (Cốc, chén, khăn, quần áo,…) hoặc vô tình tiếp xúc với các đồ dùng trong nhà như (tay nắm cửa, bàn, ghế,…) sau đó đưa lên mũi, miệng.

          Tiếp xúc với các động vật có nhiễm cúm như lợn, ngựa, gia cầm,… cũng có thể lây bệnh.

          Tập trung nơi đông người như trường học, công viên, nơi công sở,… cũng là điều kiện để vi rút lây lan nhanh chóng.

          Cách phòng ngừa

          Có rất nhiều biện pháp phòng ngừa cúm A cho trẻ em và người lớn, tuy nhiên Bộ Y tế khuyến cáo nên thực hiện những biện pháp sau:

          Phòng ngừa cúm A cho trẻ và gia đình tốt nhất là tiêm vắc xin cúm hàng năm, đầy đủ, đúng lịch, đặc biệt những người có yếu tố nguy cơ: Người có tuổi > 65, người có bệnh mạn tính, phụ nữ có thai... Thời điểm thích hợp nên tiêm vào tháng 7 - 9 hàng năm. (lịch tiêm cúm cho người lớn và trẻ em: Người từ 9 tuổi đổ xuống năm đầu tiêm 2 mũi mỗi mũi cách nhau 1 tháng và từ năm sau chỉ tiêm 01 mũi nhắc lại; Người từ 9 tuổi trở lên lần đầu tiêm 01 mũi và từ năm sau tiêm 01 mũi nhắc )

          Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

          Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc.

          Lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.

          Tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt ho đau họng (cần phải đến ngay Trạm Y tế hoạc cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị)   và được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.

          Ngoài ra, tăng cường miễn dịch, uống đủ nước, giữ gìn vệ sinh đặc biệt vệ sinh bàn tay và không gian sinh sống, tránh tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh, đeo khẩu trang... cũng là các biện pháp hiệu quả phòng chống bệnh cúm.

          Không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng vi rút như Tamiflu, mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc