Ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường với sức khỏe con người



Ô nhiễm môi trường cùng với biến đổi khí hậu ngày nay đang trở thành vấn đề hết sức cấp bách và đáng báo động trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Đặc biệt là ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, đất do các chất độc, thuốc bảo vệ thực vật... Điều này khiến con người phải gánh chịu một loạt ảnh hưởng đến sức khỏe

Ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người

Ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người

Theo các nghiên cứu, việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm, con người dễ bị nhiễm chì, hay gặp nhất là các bệnh về thận, thần kinh, cơ thể thiếu sức sống; nhiễm Natri gây bệnh về cao huyết áp, tim mạch; nhiễm Cadimi có thể gây đau lưng, thoái hóa cột sống; nhiễm độc các hợp chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản thực vật gây cảm giác nôn ói hoặc ngộ độc. Theo thống kế của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm có đến 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém. Có khoảng 20.000 người mắc bệnh ung thư,  nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước; 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng tại Việt Nam do thiếu nước sạch và vệ sinh kém.

          Ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính gây tử vong và bệnh tật trên toàn cầu, đặc biệt là sự nguy hiểm của bui mịn PM 2.5 vào phổi, qua đường dẫn khí sẽ đi sâu vào từng túi phổ gây viêm nhiễm đường hô hấp. Khoảng 4,2 triệu ca tử vong sớm trên toàn cầu có liên quan đến ô nhiễm không khí, chủ yếu là do bệnh tim, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở trẻ em.

          Ở trẻ em và người lớn, cả tiếp xúc ngắn hạn và dài hạn với ô nhiễm không khí xung quanh có thể dẫn đến giảm chức năng phổi, nhiễm trùng đường hô hấp và hen suyễn nặng hơn. Ngoài ra, cũng có thể gặp các triệu chứng như kích ứng mắt, da, mũi và cổ họng; ho, khạc đàm, tức ngực, khó thở. Những triệu chứng này sẽ biến mất khi chất lượng không khí được cải thiện. Còn những người có sẵn bệnh phổi như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể làm tăng các triệu chứng của bệnh như khó thở nhiều hơn kèm theo tức nặng ngực, ho nhiều hơn, thở khò khè. Các nghiên cứu cho thấy ở những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc bị ô nhiễm không khí cao, tần suất nhập viện do các căn nguyên về hô hấp và tim mạch tăng cao hơn.

          Nhằm giảm thiểu tác hại của ô nhiễm môi trường không khí với đa dạng sinh học và sức khỏe con người, xác định môi trường và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt được các quốc gia và mọi người trên thế giới quan tâm,  vì vậy, Ngày Môi trường Thế giới (ngày 5/6) ra đời. Trong những năm qua, nó đã trở thành nền tảng toàn cầu lớn nhất để tiếp cận cộng đồng vì môi trường và được hàng triệu người trên thế giới tôn vinh. Ngày Môi trường Thế giới 2022 sẽ được tổ chức với chủ đề "Chỉ Có Một Trái đất", nổi bật nhu cầu sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên bằng cách mang lại những thay đổi mang tính biến đổi, hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn.

Hồng Mai