Chiều ngày 23.11, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về tăng cường công tác phòng chống dịch và công tác tiêm chủng phòng COVID-19. Đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế là PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế và TS Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Cùng dự còn có đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam, Bộ Quân Y, Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An và một số Cục, Vụ liên quan của hai Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT. Tại điểm cầu
Tham dự Hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng chống dịch và công tác tiêm chủng phòng COVID-19tại điểm cầu Hà Giang.
Theo báo cáo tại Hội nghị cho thấy, nhờ thành quả tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 nên tỷ lệ tử vong/ca mắc vào thời điểm tháng 7 - 9/2022 so với tháng 5 - 9/2021 giảm 245 lần. Trên thế giới vẫn ghi nhận khoảng 10.000 ca tử vong/tuần, trong khi đó Việt Nam ghi nhận 1-2 ca tử vong/tuần. Ngoài dịch bệnh COVID-19 đang hiện hữu thì các dịch bệnh khác như: bệnh sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, cúm mùa, cúm AH5N1 trong thời gian qua đang có những diễn biến phức tạp. Trong đó, năm 2022 thế giới ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao hơn so với năm 2021, nhất là tại Châu Mỹ và một số nước Châu Á. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 314 nghìn ca mắc, trong đó có 115 ca tử vong. Về cúm mùa, khu vực Đông Năm Á ghi nhận sự gia tăng đáng kể khi thời tiết thay đổi thất thường, thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh truyền nhiễm phát triển mạnh dẫn đến số ca mắc tăng cao, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A. Về bệnh đậu mùa khỉ, tính đến ngày 23/11/2022 Việt Nam ghi nhận 02 trường hợp mắc tại thành phố Hồ Chí Minh. Hiện bệnh Đậu mùa khỉ được xếp vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm B của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Tại Hội nghị, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp, nguy cơ gia tăng trở lại đồng thời khuyến cáo việc duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vắc xin.
Phát biểu tại Hội nghị, TS Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ghi nhận sự nỗ lực của ngành GD&ĐT trên cả nước trong công tác phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận phụ huynh nhận thức chưa đầy đủ về chủ trương tiêm chủng, do vậy UBND các cấp cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để các tổ chức, đoàn thể vào cuộc chứ không thể phó mặc cho giáo viên, nhà trường. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tại các địa phương phối hợp sâu với Sở Y tế, UBND các huyện đẩy nhanh công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên và phụ huynh học sinh về lợi ích của tiêm vắc xin COVID-19 trong phòng bệnh.
Kết luận tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các sở, ban, ngành trong công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như các dịch sốt xuất huyết, cúm, whitmore..., các dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào; tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về lợi ích, sự cần thiết à vai trò của người dân về công tác phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác nói chung; Cục Y tế dự phòng tiếp tục theo dõi, tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nói chung, cũng như công tác phòng chống dịch COVID-19 của các địa phương, công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19; Viện Vệ sinh dịch tễ TW và khu vực, Viện Pasteur cần tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong công tác tiêm vắc xin COVID-19 cũng như tiêm chủng mở rộng… Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế tăng cường triển khai công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục và các dịch bệnh khác…
Thùy Dung