Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh chuyển hóa, biểu hiện là tình trạng rối loạn chuyển hóa insulin khiến glucose trong máu tăng cao. Các triệu chứng của đường huyết cao bao gồm: Tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều và sụt cân nhiều. Nếu bệnh đái tháo đường không được chữa trị, sẽ có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng như: Hạ đường huyết, bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận mạn tính, loét chân, bệnh lý võng mạc…
Bác sĩ thăm khám cho người bệnh Đái tháo đường
Tuy gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cho người bệnh nhưng hiện còn có rất nhiều người mắc đái tháo đường mà không biết hoặc chưa được kiểm soát điều trị. Như trường hợp của người bệnh Hứa Văn K, 35 tuổi tại xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) đang điều trị tại Khoa Nội tiết, Bệnh viện đa khoa tỉnh. Trước đó anh có các biểu hiện hay đói, tiểu nhiều về ban đêm và sụt gần 10kg trong vòng một tháng, tuy nhiên anh chỉ nghĩ do công việc vất vả mà không đi thăm khám đến khi vào Bệnh viện để khám và điều trị bệnh lý khác thì mới phát hiện ra mình mắc bệnh ĐTĐ.
Đái tháo đường có 3 loại (đái tháo đường tuýp 1, tuýp 2 và tuýp 3), đái tháo đường tuýp 1: là tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, do vậy trước đây còn gọi là “đái tháo đường phụ thuộc insulin”; đái tháo đường tuýp 2: là do sự đề kháng với insulin, các tế bào không đáp ứng với insulin, do đó còn gọi là “đái tháo đường không phụ thuộc insulin”; đái tháo đường thai kỳ: xảy ra khi phụ nữ chưa hề mắc bệnh đái tháo đường mà trong khi mang thai lại có nồng độ đường trong máu cao.
Theo Bs.CKII Vũ Đình Cao, Khoa Nội tiết, BVĐK tỉnh: Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường gồm: tiền sử gia đình, người tăng huyết áp, độ tuổi từ 45 trở lên; rối loạn mỡ máu, tiền đái tháo đường, rối loạn đường huyết lúc mang thai... những người có yếu tố nguy cơ kể trên cần chủ động tầm soát bệnh ĐTĐ để kịp thời phát hiện, tránh để bệnh diễn biến âm thầm gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Theo thông báo mới nhất của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2021 trên thế giới ước tính có 537 triệu người trưởng thành (20 - 79 tuổi) hàng ngày đang phải sống chung với căn bệnh đái tháo đường. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 643 triệu vào năm 2030 và 784 triệu vào năm 2045. Bệnh Đái tháo đường chính là nguyên nhân gây ra 6,7 triệu ca tử vong vào năm 2021. Trung bình cứ 5 giây lại có 1 ca tử vong. Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải gánh chịu áp lực từ sự gia tăng số lượng người mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng. Theo IDF, tại Việt Nam, có khoảng gần 3,8 triệu người phải sống chung với căn bệnh đái tháo đường năm 2019. Hầu hết trong số này là đái tháo đường tuýp 2. Tại Hà Giang, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hiện có trên 3.000 người mắc ĐTĐ, chủ yếu ở độ tuổi từ 40 - 69 tuổi, số người có yếu tố nguy cơ cao mắc ĐTĐ là trên 6.000 người trong toàn tỉnh. Theo kết quả khám sàng lọc trong tháng 10.2021, tỷ lệ tiền ĐTĐ người ở độ tuổi trên 40 chiếm tỷ lệ 28,5%; tỷ lệ người mắc ĐTĐ chiếm trên 16%; tỷ lệ người tiền ĐTĐ và ĐTĐ là cao so với tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế.
Bs.CKII Vũ Đình Cao cho biết: Để phòng bệnh đái tháo đường chúng ta cần duy trì ăn đa dạng các loại thực phẩm, trong đó chú ý nhiều rau quả và trái cây; hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều tinh bột; tránh ăn nội tạng động vật, thức uống nhiều đường; luyện tập thể dục 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần và kiểm soát cân nặng. Bên cạnh đó, khám tầm soát ít nhất 1 năm/lần đối với người chưa mắc bệnh; 6 tháng/lần đối với người có yếu tố nguy cơ; có chế độ ăn phù hợp và sử dụng thuốc đúng liều lượng, thời gian chỉ dẫn của bác sĩ đối với người đã mắc bệnh.
Thùy Dung